Thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa hoàn toàn có cơ sở pháp lý

Nguyên Bình| 16/09/2021 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 16/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; cho ý kiến vào một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

ubtvqh-.jpg

Thanh Hóa có thể đi đầu thí điểm

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 58). Nghị quyết số 58 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc.

Dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa các quan điểm như: phù hợp với Nghị quyết số 58; quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND; các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính tương đồng với các chính sách của một số thành phố lớn khác trong cả nước.

Dự thảo Nghị quyết có 8 Điều quy định các cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng rừng.

Trong đó, Khoản 2, Điều 3 quy định: ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

phu-cuong.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng: Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, đa số ý thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, cần quán triệt thêm một số nguyên tắc, quan điểm như: phải bảo đảm phù hợp với thực lực, khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; phù hợp với thực tiễn, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm hài hòa với các địa phương khác có cùng đặc điểm và địa phương được hưởng cơ chế đặc thù.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn, lượng hóa tác động của chính sách để thấy rõ nguồn lực cụ thể được bổ sung có mục tiêu cho Khu kinh tế Nghi Sơn, cũng như số giảm thu của ngân sách Trung ương từ chính sách này.

Một số ý kiến cho rằng, đây là cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất áp dụng duy nhất đối với tỉnh Thanh Hóa, hiện nay các địa phương thuộc diện áp dụng cơ chế đặc thù, trong đó có địa phương có cảng biển cũng chưa được áp dụng chính sách này. Do đó, đề nghị cân nhắc vì: việc đề xuất ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao có thể dẫn đến việc lập dự toán thấp, không sát với thực tế để được hưởng số tăng thu.

Mặt khác, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay, số thu ngân sách Trung ương khó có thể đạt dự toán Quốc hội giao. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, tránh việc lập dự toán thấp hoặc khó khăn trong cân đối ngân sách Trung ương bổ sung cho địa phương, các ý kiến này đề nghị chỉ bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn trong trường hợp ngân sách Trung ương tăng thu và bảo đảm khả năng cân đối…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy. Về tài chính, địa phương có thể nghiên cứu thêm thuế nhà ở, vì thuế này gắn với chính quyền địa phương. Thanh Hoá có thể đi đầu thí điểm, sau này có thể áp dụng cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Kết luận nôi dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới đây. UBTVQH cũng thống nhất nghị quyết có hiệu lực từ năm 2022 và thực hiện trong 5 năm.

Ban hành một số giải pháp miễn thuế cho DN

Cũng trong buổi sáng nay, UBTVQH đã thảo luận một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

phoc-.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng theo hướng bổ sung thêm điều kiện “tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020”.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí trình UBTVQH ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 ngay tại phiên họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn; nhất trí với nội dung tiếp thu này của Chính phủ, vì việc bổ sung thêm điều kiện này góp phần loại trừ được những doanh nghiệp có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh (ví dụ các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, viễn thông ...), phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 30/2021/QH15.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “doanh nghiệp phải có tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020” vì quy định này là không hợp lý đối với những doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 tăng so với năm 2020 vì bị tăng chi phí đầu vào, song thu nhập lại giảm. Đại diện Ủy ban Pháp luật cho rằng thực hiện theo hướng này là vượt quá thẩm quyền của UBTVQH, không phù hợp Nghị quyết 30/2021/QH15.

Về miễn, giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và IV năm 2021. Dự thảo mới của Chính phủ đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho một số lĩnh vực dịch vụ trong khoảng thời gian từ 1/10/2021 đến 31/12/2021.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách tán thành việc giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó đặc biệt là đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi… để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời đề nghị Chính phủ nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quản lý thuế để bảo đảm mục tiêu chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa hoàn toàn có cơ sở pháp lý