Xã hội

Khơi dậy sức dân nhờ dân vận khéo: Kỳ 3: Những quyết sách “đúng” và “trúng”

Gia Ân – Thái Hiền 10/09/2023 06:00

14/20 xã về đích nông thôn mới (chiếm 70% số xã), số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 17,55 tiêu chí/xã. Những tuyến đường mới mở, những ngôi nhà mới khang trang, những mô hình kinh tế cho thu nhập cao… Đó là thành quả mà huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) đã đạt được trong phong trào xây dựng NTM nhờ làm tốt công tác dân vận.

Dấu ấn của chương trình xây dựng NTM ở huyện miền núi Anh Sơn

Câu chuyện xây dựng NTM ở các xã Lĩnh Sơn, Cao Sơn, Hoa Sơn, Hùng Sơn… cũng như sự xuất hiện hàng trăm tuyến đường giao thông khang trang, sạch đẹp trong thời gian qua chỉ là những ví dụ tiêu biểu, phản ánh những dấu ấn của chương trình xây dựng NTM ở huyện miền núi Anh Sơn. Ý nghĩa của nó không chỉ thể hiện ở những con số thống kê, mà còn ở sức mạnh của sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của bà con nhân dân.

dan_van_kheo_3(1).jpg
Một góc huyện Anh Sơn đang ngày càng phát triển

Năm 2022, toàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã huy động, lồng ghép được 375 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án, sự hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh, chính sách hỗ trợ của huyện và huy động sự đóng góp của nhân dân, toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông, cứng hóa được hơn 98km đường trục xã, liên xã, đường thôn và ngõ xóm, với tổng kinh phí 153,92 tỷ đồng.

Trong đó, bà con nhân dân trong toàn huyện Anh Sơn đã đóng góp được hơn 42 tỷ đồng, làm đường giao thông, hiến được 80.140 m2 đất; 133.477 ngày công lao động. Ngoài ra, UBND huyện Anh Sơn đã hỗ trợ tiền làm đường giao thông nông thôn cho các địa phương làm đường cấp C với tổng chiều dài trên 6km với số tiền 100 triệu đồng/1km, tại các xã Thạch Sơn (1.002m); Tường Sơn (926m), Lạng Sơn (945m), Khai Sơn (910m), Cao Sơn (1.647m) và Tào Sơn (570m).

Đến hết năm 2022, toàn huyện có 14 xã về đích nông thôn mới, trong đó có 3 xã có đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, có nhiều phong trào dân vận được phát động và đã tạo bước đột phá. Nổi bật như phát động phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông “Xanh, sạch, đẹp, sáng” hay “Tất cả vì quê hương Anh Sơn giàu đẹp” hướng đến ngày kỷ niệm 200 năm danh xưng Anh Sơn, chào mừng 60 năm ngày tách lập huyện, đã nhận được nhiều ủng hộ từ các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên, con em Anh Sơn đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc.

dan_van_kheo_5(1).jpg
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra tiến độ một số công trình, dự án tại huyện Anh Sơn

Qua hơn 1 năm triển khai phát động phong trào, đã có 501 công trình hoàn thành gắn biển chào mừng/chỉ tiêu 230 công trình, đạt tỷ lệ 218%; với tổng số tiền và vật chất đã quy đổi là gần 144 tỷ đồng/chỉ tiêu 20 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 720 %.

Chia sẻ về cách làm của địa phương trong công tác dân vận để xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Thuý An, Trưởng ban dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Anh Sơn (Nghệ An), cho biết: “Với xuất phát điểm thấp, để việc xây dựng NTM đạt hiệu quả, huyện xác định rõ quan điểm “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, vì vậy chỉ cần khơi dậy nội lực trong nhân dân là sẽ thành công. Để làm được điều này, cán bộ từ huyện đến xã, đến thôn đều tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu, thực hiện theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

dan_van_kheo_6(1).jpg
Huyện Anh Sơn đã đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ huyện đến cơ sở

Ngoài ra, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện. Cùng với đó là triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 25 của BTV huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, từ đó đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân, bà con đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của vào phong trào.

Công tác dân vận ngày càng được đổi mới về nội dung và đa dạng hóa hình thức

Không chỉ dân vận khéo trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà trên tất cả lĩnh vực, kinh nghiệm của Anh Sơn là phải đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ huyện đến cơ sở. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác dân vận trên địa bàn huyện Anh Sơn ngày càng được đổi mới về nội dung và đa dạng hóa hình thức.

dan_van_kheo_2(1).jpg
Mỗi người dân Anh Sơn đều tích cực, tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới

Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa chương trình công tác dân vận như: Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị cấp huyện; đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đặc thù giai đoạn 2022-2025; tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 16/CT-TTg “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

Định kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa chỉ tiêu thực hiện công tác dân vận, nhất là việc triển khai thực hiện xây dựng các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, điểm sáng “Dân vận chính quyền”, “Dân chủ cơ sở”, cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng đô thị văn minh và tham gia các phong trào thi đua được các cấp phát động vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm.

dan_van_kheo_4(1).jpg
Bình yên trên mảnh đất Anh Sơn

Trong 2 năm 2021, 2022, toàn huyện đã xây dựng được 116 mô hình tập thể, 19 mô hình cá nhân là điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực.

Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Anh Sơn cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thông qua các hoạt động gặp gỡ, lắng nghe cùng trao đổi với nhân dân. Đã hơn 5 năm nay, định kỳ hàng năm huyện Anh Sơn đều tổ chức hội nghị gặp mặt giữa Ban thường vụ huyện uỷ với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, với đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiếu số.

Đây là diễn đàn trao đổi hai chiều giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với các đồng chí cán bộ chủ chốt, là cơ sở để cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của cán bộ cơ sở và quần chúng nhân dân. Hay như việc luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở, với phương châm “đúng người, đúng việc”, hiện nay huyện đang có 7 đồng chí là những cán bộ trẻ, nhiệt huyết, là trưởng, phó các ban ngành cấp huyện về làm Bí thư, Chủ tịch UBND các xã.

dan_van_kheo_7(1).jpg
Những con đường sạch đẹp, cây xanh dịu mát góp phần cho quê hương ngày càng đồi mới

Việc luân chuyển này đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đồng chí thông qua sự rèn luyện, thử thách ở cơ sở, cùng với địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lãnh đạo phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương.

Theo ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn, việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trên địa bàn huyện trong thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Từ đó đã giúp cho Anh Sơn giành được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với kế hoạch đề ra, như tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, huy động vốn đầu tư...

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phát triển nhanh. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Các công trình, dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống nhân dân.

dan_van_kheo_1(1).jpg
Nhờ làm tốt công tác dân vận, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới nên bộ mặt huyện Anh Sơn đang từng ngày khởi sắc

Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay toàn huyện có 14 xã/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 70% số xã); Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2022 là 43,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,9% (bình quân của tỉnh là 6,49%); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 88,6% (bình quân chung của tỉnh là 88,94%); tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nay đạt 97,2% (bình quân chung của tỉnh là 87%).

Năm 2022, huyện Anh Sơn vinh dự là đơn vị xuất sắc tiêu biểu của tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về công tác dân vận chính quyền.

Trao đổi về những định hướng trong công tác dân vận trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp với từng địa phương, đơn vị; hướng về cơ sở trên tinh thần “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân”; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác vận động nhân dân, nhất là ở vùng đặc thù; khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân, có ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn thách thức, vươn lên làm giàu chính đáng, quyết tâm xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững, sớm khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, hứa hẹn trong tương lai gần sẽ là một Anh Sơn sầm uất, mang tầm vóc mới, sức sống mới, diện mạo mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy sức dân nhờ dân vận khéo: Kỳ 3: Những quyết sách “đúng” và “trúng”