Xã hội

Khơi dậy sức dân nhờ dân vận khéo: Kỳ 2: 'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' để tuyên truyền, vận động

Gia Ân – Thái Hiền 09/09/2023 07:49

Theo chân cán bộ Ban dân vận Huyện uỷ Anh Sơn (Nghệ An) đến những địa phương là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được tận mắt thấy và cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của những “miền quê đáng sống”. Đi tới đâu cũng gặp những tuyến đường khang trang, sạch đẹp, tạo nên nét chấm phá cho bức tranh quê trù phú, đủ đầy.

Cao Sơn thoát khỏi “bầu sữa” xã 135 và trở thành điểm sáng

Cách trung tâm huyện Anh Sơn (Nghệ An) khoảng 20km về phía Đông, lâu nay xã Cao Sơn được biết đến là thủ phủ của cây chè Gay thương phẩm. Mặc dù vậy, giống cây ưa địa hình đồi núi này chưa bao giờ giúp cho đời sống của người dân Cao Sơn vững lên. Cao Sơn vẫn là xã khó khăn của huyện Anh Sơn và mảnh đất này được mệnh danh là “vùng lõm” của địa phương. Nhưng đó đã là chuyện của mấy năm về trước, giờ đây Cao Sơn đã đổi thay lắm rồi!

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, ông Mai Văn Hồ, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn giới thiệu: Xã Cao Sơn có tổng diện tích tự nhiên 3.151,8 ha, hơn 1.500 hộ với 5.221 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo hơn 10%, là địa phương thuộc địa bàn khó khăn nhất huyện. Toàn xã có hệ thống đường giao thông nông thôn với 147 tuyến, tổng chiều dài lên đến 172,2 km và chủ yếu là đường đất.

dan_van_kheo_1.jpg
Cấp uỷ, chính quyền các cấp địa bàn huyện Anh Sơn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng Nông thôn mới

Nhiều tuyến giao thông đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Sở dĩ gọi là “vùng lõm” bởi đây là vũng trũng thấp, cứ vào những ngày mưa lớn, toàn xã bị chia cắt thành 15 vùng, người dân không đi lại được. Với đặc thù là địa hình đồi núi, dân cư ở rải rác, mỗi gia đình sinh sống một quả đồi, trong khi nguồn lực có hạn, nên việc làm đường giao thông nông thôn gặp muôn vàn khó khăn.

Xác định “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chỉ có dựa vào sức dân mới thành công được. Vì vậy cấp ủy, chính quyền xã Cao Sơn luôn làm tốt công tác dân vận, tạo được sự đồng thuận của người dân cùng chung tay góp sức.

Để phong trào tạo ra được sức mạnh lan toả trong quần chúng nhân dân, phương châm của Đảng ủy, UBND xã Cao Sơn, Anh Sơn là: “Lấy đại đoàn kết đóng vai trò động lực, lấy thôn/xóm làm “pháo đài”, lấy hộ gia đình là chủ thể, lấy lãnh đạo thôn và cán bộ xã làm tiên phong, lấy huy động nguồn lực từ nhân dân và con em xa quê là cơ bản. Tất cả là sức mạnh của tập thể và quần chúng”.

dan_van_kheo_2.jpg
Khi tạo dựng được niềm tin, người dân luôn đồng lòng cùng các chủ trương của Đảng và Nhà nước

Ngoài ra, với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành và thời gian hoàn thành đối với từng thôn. Trong suốt quá trình triển khai, xã luôn thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Việc nào khó thì cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu làm trước; tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi công việc. Thường xuyên bám sát cơ sở, trao đổi, thảo luận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Từ đó đã tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, mạnh mẽ. Đi đến đâu ở xã Cao Sơn cũng cảm nhận được một khí thế rạo rực bởi mọi nhà, mọi người đều hồ hởi hòa vào những công trình, việc làm của làng, của thôn.

“Thời gian này, cả xã Cao Sơn như trở thành một đại công trình. Lãnh đạo xã đã bắt trúng cái mạch của mình, làm đúng cái dân mong mỏi nhiều năm nên phải cống hiến, đóng góp mấy cũng không tiếc” - ông Đặng Ích Cửu thôn 1, xã Cao Sơn nói.

dan_van_kheo_3.jpg
Những con đường mới hòa chung vào niềm vui đóng góp sức công, sức của của người dân

Ông Mai Văn Hồ, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, khẳng định: Năm 2022, địa phương tiếp nhận 2.245 tấn xi măng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và phân bổ về 9/9 thôn để tiếp sức cho người dân làm đường. Từ đó xã đã hoàn thành được gần 30 km đường nhựa và bê tông, trong đó, bà con nhân dân đã hiến hơn 6.000m2 đất, đóng góp được 3,95 tỷ đồng xây dựng được 19 km đường giao thông.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xã nhận được hỗ trợ hơn 1.000 tấn xi măng, hiện nay đang triển khai làm 34 tuyến đường với tổng chiều dài gần 7km. Với những dấu ấn nổi bật trong phong trào làm đường giao thông, xã Cao Sơn đã thoát khỏi “bầu sữa” xã 135 và trở thành điểm sáng của huyện Anh Sơn. Đây cũng chính là điều kiện để Cao Sơn phấn đấu đến cuối năm 2023 về đích nông thôn mới.

Sức sống mới đang tràn về nơi vùng cao vốn khó khăn nhất của huyện

Từ trung tâm huyện phải mất gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được bản Vĩnh Kim xã Hoa Sơn, Anh Sơn. Được đi trên con đường bê tông rộng thênh thang, sạch đẹp, cảm nhận rõ một sức sống mới đang tràn về nơi vùng cao vốn khó khăn nhất của huyện này.

dan_van_kheo_5.jpg
Các tầng lớp nhân dân đã đồng lòng chung sức và nhiệt tình tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng Nông thôn mới

Bản Vinh Kim hiện có 146 hộ với 619 nhân khẩu, trong đó gần 100% là bà con dân tộc Thái. Những năm gần đây, đời sống người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Đổi thay dễ dàng nhận thấy nhất bắt đầu từ đoạn đường vào bản, trước đây gập ghềnh đất đá, giờ là bê tông trải dài, thẳng tắp đến từng nhà trong bản.

Trưởng bản Lương Văn Thái phấn khởi chia sẻ: “Chưa bao giờ, phong trào làm đường giao thông ở bản lại diễn ra sôi nổi đến vậy, những người nông dân bản Thái vốn yêu tấc đất như tấc vàng đã sẵn sàng hiến tặng hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Ngay khi có chủ trương mở rộng con đường này, chi bộ bản đã phân công từng đảng viên không kể sớm tối, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới, làm đường bê tông. Và điều cốt yếu, cán bộ, đảng viên, nhất là những người có uy tín trong bản phải tiên phong đi đầu, gương mẫu thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Nhờ đó, việc xây dựng giao thông nông thôn ở bản Vĩnh Kim từng bước đi vào lòng dân, chỉ qua một lần họp bàn, bà con trong bản đã thống nhất hiến hơn 500m2 đất và đóng góp gần 200 ngày công để sớm hoàn thành tuyến đường dài 1km rộng 3,5m.

Bà Lô Thị Hiệu, bản Vĩnh Kim, chia sẻ: “Được nhà nước hỗ trợ xi măng, dù không có sẵn tiền nhưng gia đình tôi cũng đi vay mượn đóng góp 1,2 triệu đồng, tham gia ngày công lao động để làm đường. Cả Bản tham gia lao động hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng làm từ sáng sớm đến tối mịt, đông vui nên ai cũng quên hết mệt mỏi, háo hức lắm”.

dan_van_kheo_4.jpg
Những con đường bê tông trải dài, đẹp đẽ từ những đóng góp của cả người dân và chính quyền địa phương

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Bí thư đảng uỷ xã Hoa Sơn, cho biết: Bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra từ phong trào hiến đất mở đường tại Hoa Sơn là làm tốt công tác dân vận, gần dân, sát dân. Xã đã thành lập ban chỉ đạo làm đường giao thông nông thôn. Các thôn, bản cũng bầu ra ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên của các Ban là những đảng viên và quần chúng có uy tín. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “lấy sức dân để lo cho dân”, xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân trong bàn bạc, thảo luận từ mức đóng góp, cách thức làm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình.

Khi tư tưởng người dân khơi thông, sức mạnh nội lực được phát huy, các tầng lớp Nhân dân đã đồng lòng chung sức và nhiệt tình tham gia hưởng ứng phong trào. Đến nay, xã đã huy động được trên 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa… trong đó nhân dân đóng góp hơn 80 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhân dân đã hiến đất mở rộng đường giao thông trên 9.000m2 mà không yêu cầu hỗ trợ hay đền bù; địa phương đã làm mới và nâng cấp 70km đường giao thông và 100% tuyến đường trục thôn, bản và đường liên thôn đều được bê tông hóa. Hiện nay xã đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Sự “lột xác” thần kỳ nhờ lấy công tác dân vận làm đòn bẩy

Từ một vùng đất khô cằn, sỏi đá, cuộc sống quanh năm túng thiếu, cơ hàn, thế nhưng, gần đây xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn đã có bước “lột xác” thần kỳ. Với khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, xã Hùng Sơn đã dần trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới không chỉ của huyện miền núi huyện Anh Sơn mà còn là của cả tỉnh Nghệ An.

dan_van_kheo_6.jpg
Những tuyến đường khang trang, sạch đẹp ngày càng nhiều ở huyện miền núi Anh Sơn

Năm 2015, xã Hùng Sơn là địa phương đầu tiên của huyện Anh Sơn về đích NTM. Ngay sau khi đạt chuẩn, cấp ủy, chính quyền xã xác định đạt chuẩn rồi cần hướng tới phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hiện nay, xã đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khơi nguồn sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân lương giáo, quyết tâm phấn đấu được công nhận danh hiệu xã NTM nâng cao vào năm 2023.

Ông Võ Văn Hiền, Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn, Anh Sơn, cho biết: “Cách làm ở xã Hùng Sơn là lấy công tác dân vận làm đòn bẩy xuyên suốt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thực hiện kiên trì, quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, không chủ quan. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền huy động mọi nguồn lực từ cán bộ, đảng viên, nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn, tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, tuyến đường mẫu, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, cải thiện môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp”.

Nhờ sự nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo trong công tác dân vận để xây dựng NTM nâng cao, hiện nay bộ mặt nông thôn xã Hùng Sơn đang khởi sắc từng ngày. Toàn xã hiện có hơn 600ha chè nguyên liệu, mỗi năm có hơn 10.000 tấn chè các loại được tiêu thụ, doanh thu đạt gần 40 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và huyện; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2 %.

dan_van_kheo_7.jpg
Khi tư tưởng người dân khơi thông, sức mạnh nội lực được phát huy, các tầng lớp nhân dân đã đồng lòng chung sức và nhiệt tình tham gia hưởng ứng phong trào

Trong 5 năm qua, xã đã thu hút được 9,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn nhà nước vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, xã đã huy động sự đóng góp của người dân được 2 tỷ đồng, xây dựng 7 sân vận động thôn có đầy đủ sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông thiết kế quy chuẩn đồng bộ, quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huy động nguồn lực, sự ủng hộ của người dân làm Đền thờ Liệt sỹ xã quy mô nhất huyện, được thiết kế xây dựng trên khuôn viên rộng 1500m2, với tổng kinh phí công trình trên 5 tỷ đồng, trong đó bà con nhân dân và con em xa quê đóng góp gần 2 tỷ đồng.

Hiện nay, hệ thống đường giao thông thôn xóm trên địa bàn xã đã được bê tông hóa đạt 100%. Hệ thống điện chiếu sáng ở các trục đường giao thông đi qua các khu dân cư đã được lắp đặt 97/107 tuyến đường đạt 90%.

Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường cũng được xã đặc biệt quan tâm, đến nay đường làng ngõ xóm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp, trồng cây xanh, trồng hoa hai bên đường với chiều dài 12 km, không gian nông thôn của Hùng Sơn đang ngày càng được cải thiện, đảm bảo vệ sinh môi trường, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Từ chương trình huy động sức dân xây dựng nông thôn mới ở các xã Cao Sơn, Hoa Sơn, Hùng Sơn… có thể thấy được đây là một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua, lan tỏa rộng khắp các địa phương. Qua đây có thể khẳng định được “khi ý Đảng hợp lòng dân” và ở đâu có sự đồng thuận của người dân thì ở đó “việc gì khó cũng thành công”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy sức dân nhờ dân vận khéo: Kỳ 2: 'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' để tuyên truyền, vận động