Dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, giúp dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đó là cách “dân vận khéo” mà cán bộ, chiến sỹ Công an xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã và đang thực hiện, nhằm sẻ chia với cuộc sống còn nhiều khó khăn nơi vùng đất khó.
Thực hiện đề án "Điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã" của Bộ Công an, năm 2020 Thiếu tá Dương Đức Phương được điều động về xã Nghĩa Lạc giữ chức vụ Trưởng Công an xã.
Nhớ ngày đầu về nhận nhiệm vụ, anh đã rất vất vả, bởi Nghĩa Lạc là xã 135, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện trên 22%, trụ sở làm việc chưa có. Cán bộ, chiến sỹ Công an xã chỉ có 2 đồng chí, trong khi đó địa bàn lại rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 98%.
Thời điểm đó, ở xã thường xảy ra các vụ trộm cắp tài sản, đánh bạc gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, lực lượng Công an xã đã chủ động triển khai nhiều phương án, kế hoạch, tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhằm kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Không chỉ đồng chí Trưởng Công an mà các chiến sỹ Công an nhân dân ở đây dù được phân công ở lĩnh vực nào, các anh cũng luôn kiên định, vững vàng, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách. Bản thân luôn lấy 5 lời thề, 10 điều kỷ luật và 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn, các đồng chí còn tích cực trong các phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Rõ nhất là việc các đảng viên Công an xã Nghĩa Lạc đã trực tiếp xuống cơ sở “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con nâng cao thu nhập đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Không chỉ nói suông, muốn dân tin, dân nghe và làm theo, giúp bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước hết, cán bộ, chiến sỹ Công an phải làm gương đi trước. Sau khi mượn thầu đất của người dân xóm Tân, các đồng chí ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TH, đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào trồng thử nghiệm 3ha ngô sinh khối.
Hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, mỗi héc-ta ngô sinh khối, trừ các chi phí đầu tư như: giống, phân bón và hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cũng đem về nguồn thu trên 30 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình này, mỗi năm có trồng được 3-4 vụ, tính ra mỗi 1ha ngô cũng thu về cả trăm triệu đồng.
Thiếu tá Dương Đức Phương, Trưởng Công an xã Nghĩa Lạc cho biết: “Chúng tôi về đây, nhận thấy diện tích đất đai ở đây rộng, bà con chủ yếu trồng cây keo, cây mía. Nhận thấy tiềm năng của cây ngô sinh khối, nếu trồng ngô sinh khối bán cho TH sẽ hiệu quả gấp 3-4 lần so với cây mía nên chúng tôi mạnh dạn trồng thử nghiệm. Vụ đầu tiên chúng tôi trồng 3ha đạt hiệu quả cao và nhân dân thấy được điều đó.”
Từ những việc làm thiết thực cùng những lời tuyên truyền, vận động, phân tích hợp tình, hợp lý của những người chiến sĩ Công an áo xanh, người dân xã Nghĩa Lạc đã tin và mạnh dạn đầu tư trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi cho Công ty CP TH.
Anh Lê Văn Phú (xóm Tân, xã Nghĩa Lạc) cho biết: “Ban Công an xã Nghĩa Lạc về đây không chỉ làm cây ngô tốt mà còn làm cho an ninh trật tự trên địa bàn rất đảm bảo, dân rất tin tưởng Ban Công an xã để làm ăn. Nhất là đồng chí Phương, Trưởng Công an xã, đã đưa được cây ngô sinh khối năng suất cao này về cho người dân xã Nghĩa Lạc”.
Cùng với cầm tay chỉ việc trong lao động, sản xuất, nhiều hoạt động an sinh xã hội khác cũng được cán bộ, chiến sỹ Công an xã duy trì có hiệu quả như: việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ bằng hình thức nuôi lợn đất để thực hiện các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ hỗ trợ người dân gặp khó khăn, hoạn nạn..., hay mô hình phụ đạo cho học sinh vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Trung úy Nguyễn Ngọc Quân, Công an xã Nghĩa Lạc cho biết thêm: “Xác định vào đây phấn đấu, ngoài giữ gìn tình hình an ninh trật tự địa phương, chúng tôi cũng đi sâu đi sát vào các xóm, hộ gia đình để nắm bắt tâm tư tình cảm. Được biết ở đây đại đa số các gia đình đều khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa. Chúng tôi xác định cần phải rèn luyện để các em có một lối sống lành mạnh để trở thành một công dân tốt trong tương lai".
Cuộc sống mới đang hiện hữu ở các xóm, bản và đồng bào các dân tộc xã Nghĩa Lạc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Có được những thành quả đó, không thể không nhắc đến công sức của các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Nghĩa Lạc đã làm tốt công tác dân vận giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất khó. Những hình ảnh cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con đã tạo nên nét đẹp đúng phương châm “xã bám cơ sở” của Bộ Công an.
Ông Lê Trọng Cán - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lạc cho biết: “Vai trò, nhiệm vụ của Công an chính quy về địa phương đã phát huy rất tốt, không chỉ đảm bảo công tác chuyên môn kịp thời mà còn làm rất khéo công tác dân vận đi sâu tuyên truyền, tham gia các hoạt động trong thôn xóm địa bàn dân cư... Lực lượng Công an đã mang một “làn gió mới” để người dân tin tưởng nghe theo, tập trung làm ăn kinh tế, giảm thiểu tệ nạn trên địa bàn”.
Việc bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn mà còn giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay xã đã xây dựng được 14/19 tiêu chí và phấn đấu cuối năm 2023 đạt xã chuẩn nông thôn mới.
Vùng đất khó Nghĩa Lạc hôm nay đã được “gỡ khó”, khoác trên mình chiếc áo mới tươi sáng hơn, bắt nhịp với cuộc sống ngày càng hiện đại. Sau chiếc áo ấy là bóng hình của những đồng chí Công an xã luôn lặng thầm cống hiến. Ở họ là sự mềm mỏng, khéo léo trong xử lý mọi tình huống, kiên trì giải thích khi người dân chưa hiểu và hơn hết là sẵn sàng đứng mũi chịu sào, thực sự hòa mình vào cuộc sống của người dân để dân hiểu, dân tin và hưởng ứng.