Về việc đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, chưa có số liệu năm 2014 nhưng năm 2013 đã tổng hợp tương đối đầy đủ.
Theo đó, cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hơn 34,3%, hoàn thành tốt là 58,08%, nghĩa là chiếm trên 92%, số hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực chỉ là 4,94% và không hoàn thành nhiệm vụ là 0,46%. Tỷ lệ viên chức hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc là 34,49%, tốt 50,14% và hoàn thành nhiệm vụ là 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ là 0,24%.
Có 23 bộ, ngành địa phương báo cáo không có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ. Còn ở các bộ, ngành Trung ương, chỉ có 2 đơn vị báo cáo có công chức không hoàn thành nhiệm vụ...
Từ thông báo này cho thấy, nếu cơ quan có 1000 người công chức thì có 4 công chức và 2 viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng con số này dễ rơi vào tình trạng “số liệu khả nghi” so với các văn kiện của Đảng nói là một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất -nghiêm trọng hơn so với việc không hoàn thành nhiệm vụ. Và tình hình này cũng không đúng với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu thay thế những cán bộ không làm được việc. Xin nhắc lại Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đưa ra con số 30% công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Vậy thì vẫn có ý kiến lăn tăn về đội ngũ cán bộ của ta. Mới đây có chuyên gia “quy ra thóc” khi đưa ra con số có 139.000 đầu mối cơ quan, tổ chức, nếu mỗi đầu mối chỉ cần bớt đi một lãnh đạo cấp phó và giảm đi 1-2 cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì ngân sách sẽ giảm được 8.000 tỉ đồng một năm.
Mới đây, sau khi có thông tin về việc bổ nhiệm có sai phạm của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền với 69 cán bộ cấp cục, vụ, trong đó có cả chục ông hưởng “hàm” cấp cục, vụ vào phút 90 trước lúc nghỉ hưu, Bộ Nội vụ đã tìm ra danh sách hơn 300 cán bộ có “hàm” lãnh đạo dù không có chức chính danh. Hẳn rằng số “hàm” này cần “trả lại tên cho em” để bớt chi ngân sách cho các khoản lương phụ cấp cho chức danh ảo này.
Bộ Nội vụ giải thích nhiều phó là do sức ép công việc, họp hành nhiều. Có những cuộc họp không phân công cấp phó đi thì không được tham dự. Do đặc thù một số ngành, cũng cần thêm cấp phó để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình thừa nhận, ngay ở Bộ Nội vụ khi ông về làm Bộ trưởng có 6 thứ trưởng, sau đó là 7 người nhưng giờ chỉ còn 4 thứ trưởng.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bình cho biết, nếu quy định của pháp luật chưa “cứng” thì bộ sẽ tham mưu với các cấp để có quy định “cứng”, thực hiện cho nghiêm. Phải có đề án nghiên cứu với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành.
Trả lời phản ánh của đại biểu Bùi Mạnh Hùng về việc có nhiều chức danh “hàm” trong bộ máy hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, không có quy định nào về “hàm”, nhưng thực tế đang có hơn 300 công chức, viên chức đang hưởng hàm chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên, trong đó 96 trường hợp hưởng hàm vụ trưởng; vụ phó là 150.
Thế nên trở lại con số chỉ có 0,46% công chức và 9,26% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, nếu đúng như thế thì cán bộ ta quá tốt, cần gì phải lăn tăn và cũng khỏi cần đánh giá làm gì nữa. Cán bộ công chức ta hơn cả tuyệt vời rồi!?