Tại TP Hưng Yên (Hưng Yên) ngay trước và sau thời khắc Giao thừa, rất nhiều người dân đã bắt đầu năm mới bằng việc đi lễ nhiều đền, chùa nhằm cầu chúc cho bản thân cũng như gia đình một năm mới mạnh khỏe, bình an.
Chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung Tự nằm tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích Phố Hiến và được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh thắng". Chùa Chuông được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) và trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 1707 tạo nên chùa hoàn chỉnh như ngày nay. Năm 1992, chùa Chuông đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao (mắt rồng), cây cầu được xây dựng năm 1702. Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến nhà tiền đường, theo quan niệm nhà Phật là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ. Nhiều bạn trẻ đến chùa cầu cho năm mới vạn sự như ý và gia đình bình an. Chùa Chuông có kết cấu kiểu "Nội công ngoại quốc", bao gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của "Bát Nhã" và "Trí Tuệ". Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Không chỉ người lớn mà các em nhỏ cũng thành tâm khấn xin năm mới nhiều may mắn. Theo như được nghe kể lại từ những người cao tuổi địa phương thì xưa kia chùa chuông được người tàu làm ăn ở phố hiến xưa xây dựng nên và lấy tên là kim trung tự (vàng trong chùa)lí do là trong chùa trước kia các hoành phi câu đối,tượng phật ..được sơn son thiếp vàng. Nhưng vào một năm nọ phương bắc gặp một trận đại hồng thủy chưa từng có trong lịch sử làm cho nhiều ngôi chùa ở phương bắc bị phá hủy do mưa lũ năm đó. Và có nhiều hiện vật bị mất và trôi nổi trên sông Hồng Hà (sông Hồng)trong đó có một quả chuông ở chùa Chuông.Điều kỳ lạ là dù quả chuông rất nặng nhưng nó lại nổi và trôi đến khu vực bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên) thì cứ trôi loanh quanh tại đây rồi được người làm nghề chài lưới ở thôn Nhân Dục phát hiện. Sau đó về hô hào dân làng và mời nhà chùa ra làm lễ...Dù trước đó các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho đó là điềm lành trời phật phù hộ và chuông vốn là của chùa nên sau đó đã đưa về chùa Chuông rồi góp công,củađể xây dựng thêm. Khoảnh khắc tâm linh trong thời khắc Giao thừa. Người Việt chúng ta cũng tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Cửa chùa, đất Phật là nơi bình an, thanh tịnh, nên mọi người đến chùa để tìm sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, trước dáng vẻ uy nghi của những bức tượng phật sơn son thếp vàng, cùng tiếng chuông mõ ngân theo lời kinh của quý tăng, ni, tất cả quyện vào nhau tạo nên một bầu không khí yên ả, thanh tịnh khiến cho tâm hồn mỗi người chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn.