Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Việt Nam có 3.450 sông, suối, với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh; 3.045 sông, suối nội tỉnh.
Tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 844 tỷ m3, chủ yếu tập trung vào mùa mưa (từ 3-5 tháng), mùa khô (từ 7-9 tháng) chỉ chiếm từ 20-30% lượng dòng chảy năm.
Mặt khác, dòng chảy hàng năm phân bố không đều chủ yếu trên lưu vực sông (LVS) Cửu Long (khoảng 56%), LVS Hồng - Thái Bình (khoảng 18%), còn lại ở các LVS khác. Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam là các sông xuyên biên giới.
Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu là từ nước ngoài, tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 504 tỷ m3, chiếm 60% tổng lượng dòng chảy của các sông của nước ta, cụ thể:
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tới 95% tổng lượng nước là từ nước ngoài (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia) chảy vào. LVS Hồng -Thái Bình có gần 40% tổng lượng nước là từ Trung Quốc.
Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện trên LVS Mê Kông và sông Hồng (trên 20 hồ thủy điện lớn) đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước.
Bên cạnh đó, việc gia tăng khai thác sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn còn có nguy cơ gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa ở hạ lưu tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước.