Chính trị

Khó khăn và thách thức sau nửa nhiệm kỳ thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII

Mai Thoa 01/08/2023 - 14:42

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển kinh tế, Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định. Năm 2022, mức tăng trưởng GDP đạt 8,02%, nhưng hiện tại mức tăng trưởng này thấp hơn với nhiều khó khăn, thách thức.

Nền tảng phát triển kinh tế

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 mà Đại hội XI của Đảng thông qua thấy rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện không ngừng, sự nghiệp xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả rõ rệt và được thế giới thừa nhận, việc bảo vệ môi trường được quan tâm và có nhiều cải thiện, dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, quốc phòng an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, Việt Nam đã bước vào nhóm các nước có thu nhập bình quân đầu người vào mức trung bình của thế giới.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng GDP cả thời kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đạt 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, quy mô nền kinh tế Việt Nam nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, song Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới (là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới). Việt Nam là nền kinh tế mở với độ mở cao của thế giới khoảng 200% GDP.

mg-2295.jpg
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá XIII đã có đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về kinh tế xã hội.

Với nền tảng của sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, và trước những yêu cầu đòi hỏi mới của thực tiễn, Đại hội XIII năm 2021 bổ sung nhiều định hướng mới trong quan điểm về thể chế phát triển, nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hình thành các mô hình kinh tế mới, phát triển các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: Với cải cách nâng cao chất lượng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả, là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. 

Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Cùng với đó là thực hiện các đột phá chiến lược nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Những khó khăn hiện tại

với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khắc phục những khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.

chau-au-14168.jpg

Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%....

Để có được kết quả đó, trong nhiệm kỳ này là Bộ Chính trị đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thành công các Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ sáu vùng kinh tế-xã hội của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là kết quả mà Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Tăng trưởng GDP nửa năm 2023 khá thấp so với cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm...

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, và để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ phải kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Trước tình hình đó, Chính phủ khẳng định sẽ tập trung vào các giải pháp để ổn định kinh tế vi mô; các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán; khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp; tạo việc làm, giảm thất nghiệp;

Đặc biệt, tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay như: Chậm phê duyệt các quy hoạch, chậm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; bất cập trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân như: Ùn tắc đăng kiểm; điều hành thị trường xăng dầu; quy định mới về phòng cháy, chữa cháy; bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; quản lý văn hóa trên không gian mạng...

Giải pháp của Chính phủ cũng phù hợp với yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua là "không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, triển khai thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn và thách thức sau nửa nhiệm kỳ thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII