Đời sống

Khó giải bài toán lao động nhàn rỗi ở nông thôn

Thanh Phương 05/07/2024 - 09:30

Sau mỗi vụ mùa thu hoạch, nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn đổ về TP Thanh Hóa mong tìm kiếm được việc có thêm thu nhập. Trong bối cảnh thị trường có nhiều gam màu ảm đạm, người nhiều, việc ít, số lao động này chỉ phù hợp với công việc bán mồ hôi lấy tiền trong ngày. Chính vì vậy mà giải bài toán sinh kế cho lao động nông thôn khó càng thêm khó.

Trong xu thế công nghiệp hóa, nhiều máy móc, thiết bị được đưa xuống đồng ruộng để canh tác như máy cấy, máy gặt, phun thuốc cỏ tự động… Những người lao động chân tay quanh năm “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” bị đẩy ra khỏi cánh đồng. Chỉ còn một phận nhỏ cố bám vào chính mảnh đất của gia đình thực hiện gieo trồng như nhiều đời cha ông trước đó. Hiệu quả kinh tế không có nhiều và phụ thuộc vào thời tiết.

choviec.jpg
Lao động nông thôn đổ về các tuyến đường TP Thanh Hóa chờ việc

Nhiều hộ gia đình đã không còn canh tác nữa mà cho người khác mượn, thuê chờ có dự án qua đất của mình thu hồi, giải phóng mặt bằng nhận tiền bồi thường. Lao động trên 40 tuổi buộc phải thích ứng bằng cách làm đủ các nghề xây dựng, mộc, thợ sắt, xe ôm, đánh giày… hoặc lên phố tìm việc làm trong ngày.

Từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2024, không khó để thấy tại các ngã tư các tuyến đường TP Thanh Hóa lượng lao động ở nông thôn lên đứng chờ việc ngày một nhiều. Mỗi người phía sau xe máy cà tàng, xe đạp là thúng, mủng, xẻng, xà beng… Đông nhất là ngã ba Lê Lai (phường Đông Sơn) gần trường chuyên Lam Sơn. Hay ngã tư Phú Sơn, trên đường đại lộ Lê Lợi… Chỉ cần có xe dừng lại là họ ào ra xem việc gì, giá cả thế nào? Do đông người, nên dù vất vả và thu nhập thấp vẫn có người nhận làm, hơn là phải về không.

danhgiay.jpg
Người chọn phương án đi đánh giày

Anh Nguyễn Văn Hùng (Đồng Thắng, Triệu Sơn) 46 tuổi đã chờ việc ở chợ Phú Sơn 2 ngày mà không có ai thuê. “Ở quê giờ không có việc làm, phải lên phố xem có việc gì không mà kiếm đồng ra đồng vào. Nay mai con cái đi học mà còn tiền mua sách vở, quần áo. Mình tuổi này giờ khó xin vào nhà máy xí nghiệp lắm, đi làm bảo vệ gò bó lại không quen. Vợ tôi thì đi làm công nhân may. So với làm ruộng vẫn tốt hơn nhiều”...

Phụ nữ thì đi giúp việc ở các trung tâm thành phố hoặc đi trông cháu cho chính con mình. Số lao động trẻ thì có nhiều lựa chọn hơn. Hoặc là vào các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn hoặc đi xuất khẩu lao động.

xeom.jpg
Người chọn làm xe ôm truyền thống qua ngày

Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có hơn 4 triệu người. Số lao động có tay nghề, đã qua đào tạo không nhiều, đa phần vẫn là từ nông thôn. Những lao động này thường hay nhảy việc hoặc thiếu các kỹ năng, tính kỷ luật để thích ứng với công việc có yêu cầu giờ giấc, nội quy nghiêm ngặt. Lao động gia công gia giày, may mặc có thời gian đào thải rất cao. Khi có tuổi lại rất khó kiếm được việc làm. Chính vì vậy mà tạo việc làm hướng nghiệp cho lao động là rất bức thiết.

Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, vấn đề lao động, việc làm tiếp tục được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân.

chihuong.jpg
Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Thanh Hóa Vũ Thị Hương

Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của doanh nghiệp trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình lực lượng lao động đã ổn định trở lại như giai đoạn trước dịch COVID-19. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 60 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lao động cần tuyển là 25.000 người.

Ngành lao động đã cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 100.000 lượt người; tổ chức 15 phiên giao dịch, ngày hội việc làm với 230 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8.150 lượt người lao động tham gia tuyển dụng; kết nối việc làm thành công cho 1.195 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 30.600 lao động, đạt 52,8% kế hoạch năm và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đã đưa 5.976 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 99,6% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đứng đầu cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, trong những tháng còn lại của năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ban, sở ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực của ngành.

Trong đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo lao động, công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp năm 2024; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh đảm bảo theo kế hoạch; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu lao động trong thời gian tới.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp, để có các giải pháp hỗ trợ tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó giải bài toán lao động nhàn rỗi ở nông thôn