Khiếu kiện đông người: Nguyên nhân từ tệ quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm

Bảo Dân| 26/09/2014 14:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thật bất ngờ khi Thanh tra Chính phủ công bố: Số vụ tố cáo, khiếu kiện đông người trong 9 tháng tăng đột biến 12%.

Cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân là do tệ quan liêu, trốn tránh giải quyết tại địa phương khiến công dân bức xúc, gửi đơn thư vượt cấp.

Không tin ở địa phương sẽ xử lý đơn thư, người dân tổ chức các đoàn khiếu kiện đông người kéo nhau về Trung ương, có những đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt.

Luật Đất đai đã có hiệu lực nhưng khiếu nại về đất đai, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng vẫn chiếm tới 70% các đơn thư khiếu kiện. Theo các chuyên gia pháp luật, tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng làm người dân không biết đâu mà lần. Những chuyện lá đơn khiếu nại tố cáo của người dân sau khi “chu du” các phòng ban, đến ủy ban huyện, ủy ban tỉnh rồi lại lộn về xã và danh tính của người tố cáo bị lộ. Tiếp theo đó là trù dập, trù úm và chuyện “hậu tố cáo” là vô cùng phức tạp. Nhiều công dân cầm trong tay hàng chục  thậm chí hàng trăm giấy báo đã nhận đơn, đã chuyển của các cơ quan kể cả cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo. Danh sách những người dân kêu cứu, khiếu nại 3000 ngày như ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang  không sao đếm xuể.

Thanh tra Chính phủ cho rằng một bộ phận khá lớn cán bộ tiếp công dân tại địa phương vừa thiếu trách nhiệm lại vừa hạn chế trình độ không đáp ứng yêu cầu tiếp dân. Hiện có tình trạng cán bộ không được việc cần thay thế lại giao việc tiếp dân biến thành “chim đưa thư” chuyên kính chuyển đơn thư ngược lên trên.

Đánh giá về việc này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 35/CT-TW của Bộ Chính trị và Luật tiếp Công dân tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Có việc đùn đẩy trách nhiệm, trốn tránh giải quyết. Nhiều trường hợp cơ quan hành chính bảo thủ, sai rõ ràng mà không thừa nhận. Luật Tiếp công dân đã có hiệu lực nhưng ít lãnh đạo trực tiếp đối thoại với dân. Một bộ phận cán bộ, thủ trưởng các cơ quan quan liêu nên né giải quyết”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tăng cường hơn nữa việc trực tiếp đối thoại, giải thích cho dân hiểu, nói cho dân nghe theo phương châm "Nói phải củ cải cũng nghe. Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện tốt chế độ tiếp công dân và giải quyết đơn thư. Mỗi tháng thủ trưởng các đơn vị phải tiếp công dân ít nhất một lần”.

Thực tế chỉ ra rằng một khi lãnh đạo địa phương vào cuộc một cách có trách nhiệm sẽ giải quyết các khiếu kiện kéo dài nhiều nhiệm kỳ ở địa phương. Chẳng hạn ở TP HCM, dư luận hoan nghênh người đứng đầu đảng bộ trực tiếp lắng nghe, suy xét kỹ và đã xử lý một vụ khiếu kiện kéo dài 22 năm được nhân dân hoan nghênh. Mới đây Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp dân đã giải quyết một vụ tồn đọng ở Hà Tây từ khi chưa sáp nhập vào Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khiếu kiện đông người: Nguyên nhân từ tệ quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm