Hiện tượng tội phạm “tự xưng” cán bộ Công an cấp cao để lừa đảo đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn khó lường. Ngay cả một thợ điện cũng “nổ” thành “thiếu tướng Bộ Công an” nhằm giăng bẫy lừa tinh vi. Các vụ án được Tòa án các cấp xét xử đã góp phần tuyên truyền pháp luật, nâng cao cảnh giác cho mọi người.
Gã thợ điện liều lĩnh đó là Phạm Văn Thuận (SN 1973, quê Ninh Thuận). Thuận khai nhận thường vào Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa làm thuê tại các công trình xây dựng. Mỗi khi đi qua khu vực huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, Thuận thường ghé quán cà phê võng của anh Phan Tuấn Dũng trên Quốc lộ 1A uống nước nên quen biết gia chủ. Thuận thấy anh Dũng cả tin, nhà có điều kiện nên nảy sinh ý định lừa đảo.
Để thực hiện ý đồ, Thuận tỷ tê với anh Dũng về thân phận đặc biệt của mình. Theo đó, Thuận đang được Bộ Công an giao “đặc vụ” theo dõi, điều tra chuyên án tội phạm ma túy tại Ninh Thuận. Để tăng thêm độ tin cậy, Thuận tiết lộ bí mật với anh Dũng về việc đang đeo hàm thiếu tướng, phải giữ bí mật vì lý do công vụ.
Qua nhiều lần tiếp xúc, Thuận dần tạo được thiện cảm với anh Dũng. Thuận thổ lộ muốn thắt chặt tình nghĩa nên xin nhận bà Lê Thị Thanh (mẹ anh Dũng) làm mẹ nuôi. Gia đình anh Dũng ai cũng cảm động trước tình cảm “thiếu tướng”, coi Thuận như quý nhân. Lợi dụng tình cảm đó, Thuận bắt đầu lừa đảo người thân anh Dũng.
Anh Dũng nhớ lại: Khoảng đầu tháng 5/2022, lúc Thuận ghé nhà chơi, anh và người thân có trao đổi về việc gặp khó khăn khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghe chuyện, Thuận liền nói với quan hệ tầm “thiếu tướng” quen biết nhiều người, có thể hỗ trợ gia đình.
Sau đó, Thuận nói cần đưa trước 1,75 triệu đồng để làm hồ sơ, gia đình anh Dũng đáp ứng ngay. Khoảng vài ngày sau, Thuận lại đến nhà anh Dũng nhận thêm một lần tiền để làm sổ đỏ khu đất khác. Dũng “chốt” đến giữa tháng 6/2022 sẽ có 2 sổ đất. Gia đình anh Dũng càng thêm tin tưởng “quý nhân”.
Ngoài nhờ làm sổ đỏ, chị gái anh Dũng là Phan Thị Thu Hải tin cậy nhờ “thiếu tướng Thuận” một việc khác. Do cháu chồng chị là Đặng Dương Khánh đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Sông Cái, tỉnh Ninh Thuận muốn nhờ Thuận chuyển đến Trại giam Z30D Bình Thuận. Nghe xong, Thuận khẳng định có quen biết nhiều cán bộ Trại giam Sông Cái và yêu cầu chuyển tiền để… “ngoại giao”, chị Hải liền đáp ứng.
Đến sáng ngày 07/5/2022, Thuận tiếp tục lừa chị Hải thêm một lần nữa, gã nói chạy giảm án được cho Khánh, cần 5 triệu đồng để “trà nước”. Chị Hải cả tin đáp ứng ngay. Thuận cam kết khoảng một tuần lo xong việc chuyển trại lẫn giảm án cho Khánh.
Tiền đã trao “thiếu tướng” nhưng cả tháng sau, gia đình anh Dũng, chị Hải không liên lạc được Thuận. Khi thấy bị chặn cuộc gọi, gia đình anh Dũng mới biết sập bẫy lừa.
Cũng mất cảnh giác như anh Dũng là ông Nguyễn Văn Bình (SN 1977, quê Long An). Cuối năm 2017, trong một lần giao dịch mua bán đất, ông Bình quen với Lê Ngọc Tâm (SN 1982, ngụ Tp. Hồ Chí Minh). Tâm tự xưng là cán bộ Công an quận Tân Bình. Thực tế, Tâm đã xuất ngũ và “khởi nghiệp” lại với nghề công nhân.
Nghe Tâm nói về ngành Công an, ông Bình chia sẻ có con gái là Nguyễn Thị Kiều Trang, có nguyện vọng thi vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Nghe xong, Tâm khoe quen biết nhiều người, có khả năng “chạy” được cho cháu Trang.
Ông Bình rất tin tưởng, nhờ Tâm giúp đỡ. Tâm ra giá 650 triệu đồng, “bao đậu”, ông Bình liền chuyển 450 triệu đồng,
Ngoài ông Bình, Tâm còn cam kết giúp ông Trần Văn Dương lo cho cháu Trần Hoàng Anh đậu vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Ông Dương tin cậy đưa trước cho Tâm 460 triệu đồng.
Ông Dương chờ đợi không thấy ai đến xác minh lý lịch con nên hỏi Tâm, lúc này gã nhanh trí nói cháu Anh quá tuổi, không đủ điều kiện dự thi. Tâm hứa lo được cho cháu vào Công an Tp. Hồ Chí Minh với giá 1,3 tỷ đồng. Dù vậy, ông Dương vẫn không mảy may nghi ngờ, đưa cho Tâm tổng cộng 800 triệu đồng.
“Cây kim trong bọc cũng lòi ra”, khi các con không được vào ngành Công an, các “khổ chủ” nhiều lần yêu cầu Tâm trả lại tiền nhưng bất thành. Cực chẳng đã, ông Bình đến thẳng Công an quận Tân Bình tìm gặp “quý nhân” mới ngã ngửa khi biết Tâm đã xuất ngũ ra làm công nhân từ lâu. Bức xúc, các nạn nhân tố giác tội phạm. Ngay sau đó, Tâm bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước bục khai báo TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh, Lê Ngọc Tâm cho rằng việc nhận tiền để lo chạy trường cho con ông Bình, ông Dương là “giao dịch dân sự”, bị cáo không lừa đảo (?!).
HĐXX phân tích, làm rõ tại thời điểm Tâm hứa hẹn “lo” cho con các bị hại, bị cáo tự giới thiệu mình là Công an dù đã ra khỏi ngành. Tâm nhận tổng cộng 1,250 tỷ đồng, thực tế bị cáo không “lo” được, chiếm đoạt trọn số tiền trên.
Rõ ràng việc bị cáo tự xưng đang trong ngành Công an là thông tin gian dối, có ý thức chiếm đoạt từ trước để các bị hại giao tiền là tội phạm đã hoàn thành. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Tâm 12 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối với vụ án Phạm Văn Thuận, TAND huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh thuận tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong cả hai vụ án, hành vi của Thuận, Tâm không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản công dân mà phần nào còn gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an. Việc xử phạt nghiêm các bị cáo nhằm răn đe và phòng ngừa chung là cần thiết. Điều khiến những người dự khán phiên tòa băn khoăn là các bị hại rất cả tin, thiếu sự cảnh giác cần thiết. Đối với các trường hợp “tự xưng” cán bộ, mọi người cần thận trọng, xác minh nhiều chiều để không vướng vào cạm bẫy nguy hiểm.
(Tên bị hại đã được thay đổi)