“Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”, là lời dạy ý nghĩa về cách cư xử khôn khéo, về nghệ thuật làm vợ, bài học về chữ “nhẫn” để gìn giữ hạnh phúc vợ chồng. Tiếc thay, bà Dung đã không giữ được bình tĩnh khi đoạt mạng chồng giữa đêm khuya. Để rồi sau cơn tức giận là những giọt nước mắt hối hận…
Nhát dao chí mạng của người vợ
Một ngày cuối tháng 6/2024, người dân xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bàng hoàng khi hay tin bà Nguyễn Thị Dung (SN 1967) đâm chết chồng.
Bởi tại địa phương, bà được biết đến là người phụ nữ tần tảo, luôn vun vén cho gia đình. Sốc, bất ngờ nên ai cũng tò mò trước nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng đau lòng.
Bà Dung và chồng là ông Sầm Văn Q. (SN 1964) có với nhau 2 đứa con. Hơn 30 năm chung sống, họ xây được căn nhà ấm cúng. Ở độ tuổi U60 họ đã lên chức ông bà, cuộc sống không giàu có nhưng đầm ấm.
Dù vậy, “bát đũa còn có lúc xô nhau”, trong cuộc sống thường nhật, ông bà cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, cãi vả. Nhất là mỗi khi ông Q. đi uống rượu về, thường có những lời nói nặng nhẹ thậm chí là đánh vợ. Dù vậy, bà Dung luôn chọn cách cam chịu và giấu các con để gìn giữ gia đình.
Thế nhưng, vụ việc xảy ra vào đêm 22/6/2024 đã đẩy gia đình ấy vào bi kịch. Theo cáo trạng, chiều hôm đó, ông Q. nói với vợ đưa máy cắt cỏ đi sửa. Đến chập tối, bà Dung nhiều lần gọi điện thoại giục chồng về ăn cơm nhưng không được. Ông Q. trả lời do chưa xong việc nên bà Dung ăn cơm một mình. Cơm nước xong vẫn chưa thấy chồng về nên bà Dung tiếp tục gọi điện.
Đến 23h cùng ngày, bà nghe tiếng xe máy nên biết chồng về, nhưng do đau khớp nên không dậy. Lúc này, ông Q. đi vào khu vực nhà tắm và lên tiếng nói mình bị say rượu, nhờ bật điện.
Khi thấy vợ đi ra, ông Q. trách móc vợ “chẳng biết quan tâm, không biết hỏi han xem đã ăn uống gì chưa”. Bà Dung có nói lại: “Giờ này còn đòi ăn cơm, biết mấy giờ rồi không, đã quá giờ, ai ăn nữa. Khi tôi gọi thì ông không về ăn”.
Ông Q. tiến lại để giằng co song bà Dung bỏ đi. Hai người đuổi nhau chạy quanh giếng. Vài phút sau, ông đá hai phát vào chân vợ. Bà Dung vơ lấy dao để trên nắp giếng để phòng thân nhưng chồng vẫn áp sát. Ít phút sau, bà Dung đâm hai nhát trúng vùng ngực ông Q.
Thấy chồng gục xuống, bà hoảng hốt thả dao rồi ôm chồng nói lời xin lỗi “ông ơi, tôi lỡ tay rồi”. Sau đó, bà đã hô hoán các con đưa bố đi bệnh viện.
Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do suy hô hấp cấp vì vết thương làm thủng tim, phổi… Nhận thức hành vi của mình là sai, Nguyễn Thị Dung đã đến công an đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.
Giọt nước mắt muộn màng
Mới đây, bị cáo Nguyễn Thị Dung đã bị TAND tỉnh Nghệ An xét xử về tội Giết người. Hai tay run run bám vào bàn xét xử, bị cáo mắt đỏ hoe khai vợ chồng kết hôn hơn 30 năm, có hai con trai và gái. Bà tính bộc trực, hay nói thẳng, còn chồng nóng nảy nên nhiều khi xảy ra cãi vã.
Buổi chiều tối trước khi xảy ra án mạng, bị cáo có chuẩn bị bữa tối để đợi chồng về ăn, song người chồng lại chưa về kịp vì “bận công việc”. Sau đó, bị cáo nhiều lần liên lạc với chồng song không được.
Mãi đến khuya muộn, bị cáo mới thấy chồng về. Tuy nhiên, do bị đau khớp chân nên không kịp dậy bật điện. Điều đó khiến bị cáo bị chồng nạt, trách móc “không biết quan tâm, hỏi han chồng…”. Sau một hồi lời qua tiếng lại là màn rượt đuổi của hai vợ chồng. Kết thúc cuộc rượt đuổi là án mạng.
Lau nước mắt chảy dài trên gò má, bị cáo khai rất ân hận vì hành vi của bản thân. Song bị cáo cũng trình bày với HĐXX về nỗi khổ tâm mỗi lúc chồng say rượu, nổi nóng, đánh đập. Nhiều lần bị chồng hành hung, bị cáo cam chịu để giữ gia đình cho các con.
Chủ tọa hỏi: “Tại sao lúc đó bị cáo không chọn cách bỏ chạy như những lần trước mà lại hành động như vậy?”. Bị cáo đáp ban đầu chỉ muốn giơ dao dọa sau khi bị chồng đá mạnh vào hai chân. Sau đó, vì mất kiểm soát nên bị cáo đã gây ra án mạng.
HĐXX phân tích, tình huống trên xuất phát từ cách cư xử không đúng của người vợ, tranh cãi với người say không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Đáng ra vợ nên nhẫn nhịn một tý, để hôm sau phân tích cho chồng hiểu cũng chưa muộn, thay vì cố đôi co hơn thua trong cơn bực tức.
Nghe những lời đó, bị cáo lặng người vài giây rồi trình bày rất hối hận và ám ảnh, dằn vặt tinh thần. Nhiều đêm bị cáo nằm trằn trọc không thể ngủ, cảm thấy có lỗi với chồng, hai bên nội ngoại, con cháu. Bị cáo xin tòa xem xét cho mình bản án thấp nhất để sớm trở về chuộc lỗi lầm, có cơ hội chăm sóc mẹ chồng già yếu cùng con cháu.
Có mặt tại tòa, hai người con của bị cáo trình bày rất đau lòng trước sự việc của bố mẹ. Dù mẹ là người gây ra cái chết của bố nhưng họ xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình. Luật sư bào chữa cho bị cáo nêu quan điểm, tòa cần đánh giá khách quan khi đưa ra phán quyết, bởi xét cho cùng bị cáo là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo tòa, những câu chuyện tương tự như thế này trong xã hội không hiếm, vì thế mong các cặp vợ chồng hãy hiểu rằng mình đang là trụ cột, đừng vì những phút nóng giận nhất thời mất kiểm soát. Bài học rút ra là cần kiềm chế mọi mâu thuẫn, dù là nhỏ nhất.
HĐXX nhận định, trong vụ án này bị cáo được hưởng một số tình tiết khoan hồng như thành khẩn, ăn năn hối cải, ra đầu thú, phía bị hại có được xin giảm nhẹ hình phạt. Do đó, tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Dung 8 năm tù về tội Giết người.
Phiên xử kết thúc, bị cáo rời tòa với đôi mắt đỏ hoe. Giá như, bị cáo biết nhịn, biết bình tĩnh trước cơn nóng giận của chồng thì có lẽ kết cục giờ đây đã khác.