Tin nhanh

Khí nhà kính và biến đổi khí hậu

Hà Mai 16/11/2023 - 14:30

Ngày 15/11, Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố một báo cáo mới, trong đó cho biết lượng khí nhà kính giữ nhiệt trong khí quyển một lần nữa đạt kỷ lục mới vào năm ngoái và xu hướng gia tăng này chưa có dấu hiệu kết thúc.

Nồng độ khí nhà kính đạt mức cao kỷ lục

Trong Bản tin khí nhà kính thường niên lần thứ 19, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (VMO) cho biết mức độ của ba loại khí nhà kính chính - carbon dioxide, metan và oxide nito làm ấm khí hậu - đều đã phá vỡ kỷ lục vào năm 2022.

WMO cho biết, mức độ khí giữ nhiệt như vậy sẽ đồng nghĩa với việc nhiệt độ tăng thêm, thời tiết khắc nghiệt hơn cũng như mực nước biển cao hơn.

khinhakinh.jpg
Trong số ba loại khí nhà kính chính, carbon dioxide (CO2) chiếm khoảng 64% tác động làm khí hậu nóng lên. (Ảnh: UN)

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết: “Bất chấp hàng thập kỷ cảnh báo từ cộng đồng khoa học, hàng nghìn trang báo cáo và hàng chục hội nghị về khí hậu, chúng ta vẫn đang đi sai hướng”.

Bản tin này được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tại Dubai.

Thỏa thuận Paris năm 2015 cho thấy các quốc gia đồng ý giữ giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức trung bình được đo từ năm 1850 đến năm 1900 - và 1,5C nếu có thể.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15C so với mức trung bình giai đoạn 1850-1900, và ông Petteri Taalas cho biết, gần như chắc chắn rằng năm 2023 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận trước tới nay.

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết: “Mức độ tập trung khí nhà kính hiện nay đang đẩy chúng ta vào con đường tăng nhiệt độ vượt xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris vào cuối thế kỷ này. Điều này sẽ đi kèm với thời tiết khắc nghiệt hơn, bao gồm nắng nóng và mưa dữ dội, băng tan, mực nước biển dâng cao, nhiệt độ đại dương và hiện tượng axit hóa. Chi phí kinh tế xã hội và môi trường sẽ tăng cao. Giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đang là vấn đề cấp bách".

Vào năm 2022, nồng độ carbon dioxide ở mức 418 phần triệu, khí metan ở mức 1.923 phần tỷ và nito oxide ở mức 336 phần tỷ. Các giá trị này lần lượt chiếm 150%, 264% và 124% mức tiền công nghiệp (trước năm 1750).

Một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu

Khoảng 80% lượng khí thải nhà kính đến từ các nước G20. Trong số ba loại khí nhà kính chính, carbon dioxide (CO2) chiếm khoảng 64% tác động làm khí hậu nóng lên. WMO cho biết, nồng độ CO2 trung bình toàn cầu vào năm 2022 lần đầu tiên cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp và “tiếp tục tăng vào năm 2023”.

WMO cảnh báo: “Với thời gian tồn tại lâu dài của CO2, mức nhiệt độ đã quan sát được sẽ tồn tại trong vài thập kỷ ngay cả khi lượng khí thải giảm nhanh chóng xuống mức 0”, WMO cảnh báo và Giám đốc Taalas nói thêm: “Không có cây đũa thần nào có thể loại bỏ lượng carbon dioxide dư thừa ra khỏi bầu khí quyển”.

Khí metan trong khí quyển là tác nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu, chiếm khoảng 16% hiệu ứng nóng lên. Mặc dù khí metan tồn tại trong khí quyển chỉ khoảng 10 năm nhưng lại có tác động làm nóng lên mạnh hơn nhiều so với CO2.

Ông Taalas cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân vì sao nồng độ khí metan lại tăng lên đều đặn”.

WMO cho biết đối với oxide nito - chiếm khoảng 7% hiệu ứng nóng lên - mức tăng năm ngoái "cao hơn mức quan sát được bất kỳ thời điểm nào trước".

Mặc dù cộng đồng khoa học có hiểu biết rộng về biến đổi khí hậu và những tác động của nó, nhưng vẫn còn một số điều không chắc chắn về chu trình carbon cũng như các dòng chảy trong đại dương, sinh quyển trên đất liền và các khu vực băng vĩnh cửu. Bản tin kêu gọi các nhà khoa học cung cấp thêm thông tin về một số chủ đề nhất định, bao gồm các vòng phản hồi trong hệ thống khí hậu - ví dụ, lượng khí thải carbon tăng từ đất hoặc giảm sự hấp thụ carbon của đại dương do biến đổi khí hậu.

WMO cũng lo ngại về cái gọi là ‘điểm tới hạn’, trong đó một mức độ thay đổi nhất định sẽ dẫn đến một loạt thay đổi tự tăng tốc và có khả năng không thể đảo ngược. Minh chứng chính rõ nét nhất là một phần của rừng nhiệt đới Amazon, nơi từ lâu là bể chứa carbon, giờ đã trở thành nguồn phát thải carbon do nạn phá rừng.

Tổ chức này cho biết cũng cần thêm thông tin về các loại khí nhà kính không chứa CO2. Các nhà hoạt động môi trường cho biết có nguy cơ các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza đang làm lu mờ vấn đề biến đổi khí hậu, vốn “vẫn là thách thức lớn nhất đối với phúc lợi của nhân loại trong thế kỷ này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí nhà kính và biến đổi khí hậu