Xác định người bị kiện và thẩm quyền giải quyết của Tòa án hiện đang là vướng mắc lớn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án hành chính hiện nay.
Xác định bị người kiện trong vụ án hành chính
Những khiếu kiện liên quan đến vấn đề về đất đai luôn phức tạp gây không ít khó khăn cho Tòa án, nhất là việc xác định người bị kiện trong trường hợp đương sự khởi kiện nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính. Hiện nay có rất nhiều tình huống pháp lý liên quan đến việc xác định đương sự trong vụ án, cụ thể:
Trường hợp vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, người khởi kiện cả quyết định hành chính lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại thì người bị kiện là người đã ban hành quyết định hành chính lần đầu và người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Ngày càng nhiều những tranh chấp liên quan đến đất đai được khởi kiện ra Tòa. Ảnh minh họa
Trường hợp sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính đối với quyết định hành chính lần đầu đương sự mới khởi kiện bổ sung đối với quyết định giải quyết khiếu nại thì Tòa án xác định người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu việc xác định người đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại vào tham gia tố tụng làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án thì Tòa án đang giải quyết vụ án phải chuyển vụ án đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Trong trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai từ chối tiếp nhận, hoặc từ chối thực hiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất nên bị kiện, vậy xác định người bị kiện trong trường hợp này ra sao?
Có quan điểm cho rằng theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và nghị định của Chính phủ thì thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu là của UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng) mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT. Văn phòng đăng ký đất đai chỉ là cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ban đầu. Do đó, người bị kiện trong vụ án phải là UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc Sở TNMT.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì “ Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”. Tại Khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có quy định “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai”.
Do đó, trong trường hợp có căn cứ để cho rằng việc từ chối tiếp nhận, hoặc từ chối thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc Sở TNMT thì người bị kiện là các cơ quan này. Trường hợp không có căn cứ thì việc từ chối của Văn phòng đăng ký đất đai là từ chối của cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất và người bị kiện là Văn phòng đăng ký đất đai.
Xác định thời hiệu khởi kiện
Việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với loại khiếu kiện trên cũng là vấn đề vướng mắc hiện nay. Luật Tố tụng hành chính hiện hành quy định việc áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc".
Phiên tòa xét xử một vụ án hành chính ở Hải Phòng
Tuy nhiên, trong Luật Tố tụng hành chính lại không quy định việc áp dụng quy định về thời hiệu trong Bộ luật dân sự cũng được áp dụng trong việc giải quyết vụ án hành chính. Do đó, Tòa án không áp dụng quy định này.
Ngoài ra, còn có một số nội dung vướng mắc nữa là: cách xử lý trong trường hợp người khởi kiện có yêu cầu rút đơn khởi kiện khi Tòa án đang xem xét thụ lý. Hoặc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính, Chánh án Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ quyết định hành chính có dấu hiệu trái pháp luật liên quan đến quyết định hành chính bị khiếu kiện hay không?
Chúng tôi cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong trường hợp này thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nhưng Luật Tố tụng hành chính không có quy định điều đó. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền khiếu nại của đương sự và khắc phục những sai sót có thể có khi xử lý vụ việc thì cần phải trả lại đơn cho người khởi kiện.
Trường hợp tiếp theo là do Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ quyết định hành chính có dấu hiệu trái pháp luật khi có đề nghị của Hội đồng xét xử, vậy nên Chánh án Tòa án không có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hủy bỏ quyết định hành chính này trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Trường hợp người khởi kiện được triệu tập lấy lời khai, tham dự phiên họp kiểm tra, công khai chứng cứ, đối thoại đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án có đình chỉ giải quyết vụ án hay không, rất cần có hướng dẫn của TANDTC.
Ngoài những vấn đề nêu trên chúng tôi cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn trong việc giải quyết án hành chính, thì thời gian tới, sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua cần được áp dụng thí điểm “Chế định đối thoại, xét xử trực tuyến” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; tạo tiền đề xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai và phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ 4.0.