Kinh tế

Khi cây chè mang lại thu nhập “triệu đô”

Nguyễn Liên 09/02/2025 - 06:56

Trong những năm qua, cây chè đã và đang thay đổi đời sống của người nông dân tỉnh Thái Nguyên. Để nâng cao giá trị mang lại thu nhập “triệu đô”, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực đưa sản phẩm chè lên các sàn thương mại điện tử lớn, mở rộng thị trường quốc tế.

Chinh phục thị trường quốc tế

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 22.300ha chè, sản lượng búp tươi đạt trên 272.000 tấn/năm, dẫn đầu cả nước về sản xuất chè. Theo thống kê của Chi cục Hải quan Thái Nguyên, năm 2024, sản phẩm chè xanh của tỉnh được làm thủ tục xuất khẩu sang Pakistan chỉ đạt trên 140 tấn, trị giá trên 264.000 USD.

Tổng giá trị sản phẩm chè của tỉnh hiện đạt 13.600 tỷ đồng/năm. Sản xuất chè đem lại hiệu quả cao hơn một số cây trồng khác, đặc biệt cao hơn trong nhóm cây lâu năm

Tuy nhiên, sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa, sản lượng và giá trị xuất khẩu chè còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

che-thai-nguyen.jpeg
Tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Shopee Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ.

Để thực hiện mục tiêu, cây chè mang lại giá trị “triệu đô”, tỉnh Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai gian hàng sản phẩm địa phương trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu trở thành mô hình mẫu.

Sở Công Thương phối hợp các sở ngành tập trung để có gian hàng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử lớn của quốc tế, như: TikTok, Shopee, Lazada; quan tâm đưa được sản phẩm trà và chè Thái Nguyên lên các sàn bán lẻ và bán buôn, nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, với mục tiêu trở thành cây trồng mang lại thu nhập “triệu đô” và hướng mục tiêu cây trồng có giá trị “tỷ đô” của Thái Nguyên trước năm 2030.

Bám sát chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Công Thương đã làm việc với TikTok Việt Nam. Sau khi thống nhất cao giữa hai bên, ngày 5/12/2024, tại Lễ khai mạc Festival Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2024 được tổ chức tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương) và TikTok Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Theo đó, TikTok sẽ phối hợp với Sở Công Thương triển khai các hoạt động trải nghiệm, xây dựng nội dung số về trà. Với sự hỗ trợ của công nghệ số và sức lan tỏa của Tiktok, hình ảnh nông sản, làng nghề và văn hóa Thái Nguyên sẽ được lan tỏa.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam: Trong hơn 2 năm qua, Tiktok đã triển khai chuỗi chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để nâng cao năng lực kỹ năng số cho nhiều địa phương. Ở mỗi địa phương đều có các đặc sản, nét văn hóa đặc trưng, những điểm đến, lễ hội hấp dẫn, nhưng chưa được khai thác và quảng bá hết tiềm năng. Trên nền tảng TikTok, thông qua những góc máy, cách kể chuyện truyền tải thông tin của các nhà làm nội dung sẽ góp phần lan tỏa xây dựng thương hiệu trà Thái Nguyên, bao gồm cả những nét văn hóa, lịch sử, nguồn gốc trà, từ đó thúc đẩy tiêu thụ để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

bao-congly.jpg
Tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ nông dân bán trực tuyến sàn thương mại điện tử hiệu quả (ảnh Báo TN)

Hàng chục nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok được thăm quan, trải nghiệm không gian văn hóa trà địa phương; trực tiếp tham gia quy trình hái chè, chế biến trà truyền thống tại các vùng chè nổi tiếng của tỉnh như: Khe Cốc (Phú Lương), Trại Cài (Đồng Hỷ), Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và trải nghiệm văn hóa tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Ngay sau khi ký kết hợp tác với Tiktok Việt Nam, ngày 23/12/2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Shopee Việt Nam triển khai chương trình “Xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm Thái Nguyên trên nền tảng thương mại điện tử Shopee”.

Trực tiếp được các chuyên gia của Shopee Việt Nam hướng dẫn xây dựng nội dung, hình ảnh sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX đưa các sản phẩm trà lên các sàn thương mại điện tử, tỉnh Thái Nguyên

Cần đưa cây chè cổ thành cây di sản quốc gia

Bên cạnh đưa sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử mở rộng thị trường quốc tế, tỉnh Thái Nguyên tích cực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất ở 4 vùng trà nổi tiếng “Tứ đại danh trà” của tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 bao gồm xây dựng khu phòng thưởng trà, xây dựng quy hoạch vườn trà kiểu mẫu, các tiện ích đưa đón khách du lịch tham quan trải nghiệm thu hoạch và chăm sóc cây chè; bảo tồn phát huy giá trị vườn chè cổ tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ….

1.png
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chia sẻ giá trị từ cây chè với sự phát triển Thái Nguyên, đồng thời, đề nghị hoàn thiện hồ sơ đưa cây chè cổ thành cây di sản quốc gia

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại Hội nghị báo cáo đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà Thái Nguyên do Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tổ chức sáng ngày 05/02/2025 nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU đề về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 đúng vào ngày kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2) đã khẳng định rõ vai trò Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành chè, nâng cao giá trị của sản phẩm trà Thái Nguyên. Đồng chí cũng khẳng định, cây chè và các sản phẩm trà Thái Nguyên còn nhiều tiềm năng phát triển cả về giá trị kinh tế và giá trị văn hóa. Đồng chí mong muốn các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà báo, các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm chung tay cùng tỉnh Thái Nguyên phát triển các giá trị vật thể, phi vật thể của cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên.

che-thai-nguyen-.jpeg
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng đặc biệt quan tâm cây trồng chủ lực nông dân tỉnh Thái Nguyên với mong muốn nông dân trồng chè sẽ thu nhập cao từ cây chè

Thái Nguyên đã phát hiện hàng chục cây chè cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là di sản quý của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành liên quan sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đăng ký để đưa tất cả các cây chè cổ tại xã Minh Tiến (Đại Từ) trở thành cây di sản quốc gia. Từ đó có đầy đủ cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, chăm sóc và phát huy giá trị. Riêng về cây chè cổ tại xã Minh Tiến (huyện Đại Từ), đồng chí chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành tiến hành các bước đăng ký thành cây di sản của Việt Nam.

“Tứ đại danh trà Thái Nguyên” gồm: Vùng chè Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ); vùng chè xã Tức Tranh (Phú Lương); vùng chè La Bằng (Đại Từ) và vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến hết ngày 30/6/2025, sẽ có 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tiềm năng thiết lập và duy trì hiệu quả kênh bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Đến hết ngày 30/11/2025, gian hàng cấp tỉnh của Thái Nguyên được thiết lập và vận hành hiệu quả trên sàn thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi cây chè mang lại thu nhập “triệu đô”