Nói đến Hà Giang, ai trong chúng ta đều nghĩ ngay đến miền núi đá, người dân nơi đây “chắt chiu” từng “nắm đất” để sinh tồn. Vì điều này, trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn một lòng đau đáu làm sao để miền đá “nở hoa” cho đời sống Nhân dân được đổi thay...
“Dân là gốc”, “Dân là Trung tâm”
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất cho quyền lực của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Trong những năm qua, Quốc hội đã thực hiện tốt vai trò cơ quan đại diện cho Nhân dân thực hiện quyền lập Hiến, lập pháp với các bản Hiến pháp và hàng trăm đạo Luật được ban hành để điều chỉnh tất cả các quan hệ của đời sống xã hội, đảm bảo cho đất nước phát triển.
Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi đại biểu nhân dân nơi Cực Bắc Tổ quốc luôn ghi nhớ: “Phải luôn nhớ và thực hành: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi ích chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Vậy nên, những người đại biểu nhân dân nơi địa đầu Tổ quốc không ngừng nỗ lực, luôn là sợi dây nối đưa tiếng nói của Đảng đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất,... để đẩy lùi lạc hậu, chung tay cùng bà con sản xuất để có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được học hành... Các cán bộ ở tỉnh Hà Giang luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ”. Vì vậy, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND các cấp. Bởi đây chính là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm đại biểu dân cử.
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh uỷ Hà Giang khẳng định: Việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” luôn được Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc, sáng tạo. Từ đó đã phát huy được sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ở địa phương, góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,94%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,22%/năm; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định, chủ quyền lãnh thổ, đường biên giới, ranh giới được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài trên 277,56km, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc, là nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, La Chí, Phù Lá, Pà Thẻn và một số dân tộc ít người khác. Do địa hình bị chia cắt mạnh, chủ yếu là đồi núi đá vôi, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại rất khó khăn, nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của Nhân dân.
Thế nhưng, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, với ý chí tự lực tự cường, quyết tâm phấn đấu vươn lên “Sống trên đá thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã bám sát Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó xác định nhiệm vụ chủ yếu xây dựng chính quyền là “Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, tăng cường công tác giám sát, tái giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước”.
Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, nghiên cứu Đề tài trọng điểm cấp Quốc gia bài học “Dân là Gốc”, “Dân là Trung tâm” với lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Đồng chí đánh giá cao việc vận dụng Bài học “Dân là gốc”, “Dân là Trung tâm” của Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Trong thời gian tới, đồng chí mong muốn: Đảng bộ tỉnh tiếp tục quán triệt các chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định để người dân được phát huy quyền làm chủ của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới. Phát huy vai trò, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của mình trên các lĩnh vực.
Trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về dân chủ, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về dân chủ và thực hành dân chủ trong Nhân dân được nâng lên.
Trong đó, bám sát các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn hoạt động, HĐND các cấp nói chung, HĐND tỉnh Hà Giang nói riêng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, khẳng định tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Phát huy vai trò giám sát người đại biểu nhân dân
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019, quy định: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”. Đại biểu HĐND có vai trò rất quan trọng, là “cầu nối” giữa Nhân dân với Nhà nước, tăng cường tính dân chủ trong Nhân dân. Trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý nhà nước, thực hiện tốt các chức năng quyết định, giám sát những vấn đề quan trọng thì vai trò của đại biểu HĐND càng đặc biệt quan trọng, đảm bảo mọi hoạt động của HĐND cấp xã đều hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
Ngoài giám sát qua xem xét báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật, chất vấn, trả lời chất vấn; HĐND các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện giám sát chuyên đề. Bởi, đây là một trong những hoạt động giám sát quan trọng, khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban HĐND tỉnh Hà Giang thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề, kết hợp giám sát qua báo cáo và tổ chức giám sát thực tế. Nội dung giám sát tập trung vào những ý kiến, kiến nghị cử tri quan tâm, chọn việc “nóng”, việc khó, có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân và sự phát triển toàn diện của địa phương, như: Tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án khởi công mới; kết quả thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giám sát thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội... Qua đó, đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể để cơ quan cấp trên xem xét; các cơ quan chịu sự giám sát dễ tiếp thu, chỉ đạo tổ chức thực hiện; tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Đặc biệt, nhiều kiến nghị của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và giải quyết kịp thời như: Bố trí số lượng công chức văn hóa – xã hội tại xã loại II là 2 công chức như đối với xã loại I (theo quy định tại Quyết định 32, ngày 25/11/2020 của UBND tỉnh); quy định chế độ ưu đãi cho thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi bị dị dạng, dị tật không có khả năng lao động...
Kết quả cho thấy, sau 7 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát, HĐND các cấp tỉnh Hà Giang cho thấy: HĐND các cấp đã xây dựng và ban hành được 1.436 nghị quyết chương trình giám sát (trong đó, HĐND tỉnh xây dựng, ban hành 08 nghị quyết, các huyện, thành phố ban hành được 77 nghị quyết, các xã, phường, thị trấn ban hành được 1.351 nghị quyết). Việc lựa chọn, quyết định chương trình giám sát hàng năm của HĐND luôn được cân nhắc, xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian tổ chức giám sát, đơn vị chịu giám sát với các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.
Tại huyện Mèo Vạc, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phàn Quẩy Vảng cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 32 cuộc giám sát chuyên đề, sát với tình hình thực tế địa phương như công tác quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý nhà nước về sử dụng đất, quy hoạch và trật tự xây dựng... Trong quá trình giám sát trực tiếp, chúng tôi tăng cường công tác thu thập thông tin tại cơ sở, thông tin qua hình ảnh, video để minh họa, tăng tính thuyết phục cho báo cáo tổng hợp. Thường xuyên theo dõi, định kỳ yêu cầu cơ quan chuyên môn tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND. Thậm chí, tổ chức tái giám sát hoặc đưa vấn đề ra chất vấn tại kỳ họp để các kiến nghị sau giám sát của HĐND được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Lắng nghe tiếng dân để hành động hiệu quả
Thực hiện Điều 59 Luật Hoạt động giám sát, tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm, HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng giám sát thông qua việc xem xét gần 14.659 báo cáo trình các kỳ họp thuộc thẩm quyền. Các báo cáo đã đánh giá rõ ràng, chính xác tình hình kết quả thực hiện, có số liệu cụ thể chứng minh và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Để chủ động và nâng cao chất lượng các văn bản trình Kỳ họp, Thường trực HĐND các cấp đã phân công nhiệm vụ thẩm tra cho các Ban HĐND theo lĩnh vực phụ trách. Từ đó, các Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thẩm tra và phối hợp với các Ban khác thẩm tra những nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực. Từ năm 2016 đến nay, các Ban HĐND đã tổ chức thẩm tra được trên 17.700 văn bản, trong đó, các Ban HĐND tỉnh thực hiện thẩm tra được trên 1.305 văn bản, cấp huyện 1.540 văn bản, cấp xã 14.861 văn bản.
Điểm đổi mới tại các kỳ họp HĐND các cấp, chủ tọa đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ, tại Hội trường về các báo cáo, dự thảo nghị quyết, nhất là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để cùng thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện.
Qua các kỳ họp thường lệ, HĐND các cấp đã tổ chức được 440 phiên chất vấn và trả lời chất vấn (trong đó HĐND tỉnh tổ chức 13 phiên, HĐND huyện tổ chức được 40 phiên, HĐND xã tổ chức được 386 phiên). Kết thúc kỳ họp, HĐND đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để làm cơ sở theo dõi, giám sát kết quả thực hiện theo quy định.
Cùng với kết quả trên, ngoài tiếp xúc cử tri trực tiếp, định kỳ trước, sau các kỳ họp, HĐND các cấp còn tăng cường TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực.
Tại huyện Vị Xuyên, nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn huyện có 506 đại biểu HĐND cấp xã, có 10 xã bố trí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã. HĐND huyện đã tổ chức các đợt tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp xã; khảo sát hoạt động thực tế của HĐND các xã để nắm bắt kịp thời và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; tổ chức giao ban luân phiên chuyên đề theo cụm xã. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã được nâng lên đáng kể. Tính thời điểm hiện tại, HĐND 2 cấp đã tổ chức trên 1.800 cuộc tiếp xúc cử tri với gần 50.000 lượt cử tri tham dự.
Hầu hết các ý kiến cử tri đều được HĐND tổng hợp gửi đến các bộ phận chuyên môn phân tích, trả lời. Một số nội dung nổi cộm được trả lời ngay tại cuộc họp. Tại Vị Xuyên, tất cả các xã, thị trấn đều ban hành Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với mục tiêu tăng chất lượng người đại biểu nhân dân đi sâu, giải quyết rõ các vấn đề Nhân dân kiến nghị.
Tại huyện Quang Bình, HĐND huyện ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND hai cấp với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người đại biểu HĐND trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Thường trực, lãnh đạo các Ban và đại biểu HĐND huyện được phân công dự, chấm điểm các kỳ họp của HĐND cấp xã, để từ đó rút ra những kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp. Qua các cuộc chấm điểm, khảo sát thực tế thì năm 2022 có 11/15 xã, thị trấn đạt loại tốt, 4/15 xã, thị trấn đạt loại khá; năm 2023, có 15/15 xã, thị trấn đều có kỳ họp được chấm điểm đạt loại tốt; 100% HĐND cấp xã tổ chức được phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Qua chấm điểm kỳ họp cho thấy, chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.
Những giải pháp quyết liệt nêu trên đã thực sự làm thay đổi toàn diện hoạt động HĐND cấp xã, chất lượng đại biểu và các hoạt động đều được nâng lên rõ rệt, được minh chứng bằng nhiều kết quả nổi bật, góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh.
Cụ thể tại diễn đàn “Dân nói đại biểu lắng nghe” tại 2 thôn Chúng Pả A, Chúng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang đã đánh giá cao hoạt động của HĐND thị trấn Mèo Vạc tổ chức ra mắt mô hình điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã”. Tổ chức 32 hội nghị tiếp xúc cử tri, thu hút hơn 1.800 cử tri tham gia, tiếp thu, trả lời 23 ý kiến, kiến nghị của cử tri...
Thực tiễn cho thấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND các cấp đã quyết định, linh hoạt, phát triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND gắn kết với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc toàn diện, tư vấn xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến trúc, dịch vụ, hoạt động lực, hiệu quả, vì Hà Giang phát triển.
(Còn nữa)