Khám phá nghề nuôi “Chúa sơn lâm” ở Hà Nội

Đỗ Việt| 29/01/2022 14:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chăm sóc “Chúa sơn lâm” là một trong những công việc vất vả, nhiều rủi ro, chỉ một chút sơ sẩy, bất cẩn có thể phải trả giá đắt. Nguy hiểm là thế nhưng bằng tình yêu thương động vật và sự tận tâm trong công việc, những người công nhân ở Vườn thú Hà Nội đã thuần hóa loại thú dữ trở nên gần gũi với con người, tạo cảm giác an toàn và thích thú cho khách tham quan.

Cẩn trọng khi vào chuồng cọp

Khu vực nuôi nhốt thú dữ được phân tách một khu riêng biệt nằm trong quần thể Vườn thú Hà Nội rộng hàng nghìn ha. Theo lịch hẹn, đúng 7 giờ 45 phút tôi có mặt tại đây cũng là lúc công nhân bắt đầu với công việc vệ sinh chuồng, trại và chuẩn bị khẩu phần ăn cho thú.

Trực tiếp mục sở thị các công nhân của Xí nghiệp chăn nuôi động vật (Vườn thú Hà Nội) vào chuồng cọp, vệ sinh nơi ăn, chốn nghỉ cho “Chúa sơn Lâm”, vuốt râu hùm, chia từng từng khẩu phần thức ăn cho hổ mới thấy đằng sau công việc có một không hai này là cả một nghệ thuật rèn giũa và sự điêu luyện mà không phải ai cũng dám làm.

272402808_337266121449834_919593836464234721_n.jpg
Bên trong ngăn chuồng trú được lát nền bằng gạch đỏ, phía trên có mái che chắn bao quanh.

Trước khi vào chuồng cọp, các công nhân được trang bị đồ bảo hộ, chân đi ủng, đeo găng tay và công việc đầu tiên họ phải thực hiện là sát khuẩn tay chân và các vật dụng cần thiết. “Đây là một trong những quy định bắt buộc khi tiến hành vệ sinh chuồng thú để phòng tránh khả năng lây nhiễm bệnh”, anh Nguyễn Văn Mạnh, Tổ trưởng tổ kỹ thuật Vườn Thú Hà Nội cho biết.

Theo anh Mạnh, công việc vệ sinh, chăm sóc cho thú, nhất là thú dữ không đơn giản chỉ là vệ sinh như các loại động vật khác và không phải ai cũng làm được. Các công nhân đều được huấn luyện kỹ càng, phải tuân thủ những nội quy và quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Để vào chuồng cọp, công nhân phải làm động tác đánh thức thú dậy, sau đó một người làm nhiệm vụ kéo thanh cửa sập được thiết kế ròng rọc ngăn cách giữa chuồng trú và khu trưng bày, người còn lại đứng quan sát. Khi thú ra khỏi chuồng nhân viên kéo thả cửa sập xuống, sau đó mới tiến hành mở khóa vào bên trong để làm vệ sinh.

Do đặc thù công việc, các công nhân ở đây luôn phải để mắt tới nhau khi làm việc. Việc vệ sinh cũng được tiến hành tỉ mỉ, cẩn trọng theo từng công đoạn. Hai người một, người kéo cửa, người quan sát, khi thú ra ngoài, các công nhân bắt đầu vào bên trong quét dọn vệ sinh, thu gom phân thú, rồi phun nước cọ rửa sạch sẽ. Sau khi vệ sinh xong, nhân viên tiến hành phun thuốc sát trung toàn bộ khu vực bên trong cho đến khi chuồng khô, ráo.

1.jpg
Công việc hằng ngày của chị Trần Thị Ngọc là vệ sinh chuồng trại và chăm sóc thú dữ.

“Khi đã bước chân vào chuồng thú phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, và luôn phải có từ 2 người trở lên. Việc kiểm tra chuồng nuôi, hệ thống cửa chốt, cửa sập được tiến hành thường xuyên, bởi chỉ một phút sơ sẩy, bất cẩn thì tai nạn có thể ập đến, hậu quả khó lường”, chị Trần Thị Ngọc, người hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc thú chia sẻ.

Thời gian đầu, khi mới đảm nhận công việc này  do chưa thạo việc nên chị Ngọc cảm thấy rất áp lực và lo lắng. Nhưng lâu dần thành quen, nhờ được trang bị những kỹ năng bài bản và và hiểu đặc tính, tâm lý của từng con vật nên giờ đây chị cảm thấy rất tự tin và yêu công việc.

Hiểu rõ tập tính sinh thái của từng loài

Tại Vườn thú Hà Nội hiện có tổng cộng 10 cá thể hổ, gồm hổ Đông Dương, hổ trắng và hổ Amur, trọng lượng bình quân mỗi con từ 110kg – 180kg. Các cá thể được nuôi tách riêng theo từng loài và được chăm sóc cẩn thận, dưới sự giám sát hằng ngày của cán bộ kỹ thuật và đội ngũ bác sỹ thú y của Xí nghiệp chăn nuôi động vật.

4.jpg
Sau khi dọn vệ sinh chuồng trại, công nhân tiến hành phun khử khuẩn để phòng dịch bệnh cho thú.

Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, trung bình mỗi chuồng nuôi nhốt hổ rộng khoảng 200m2 được chia làm 2 ngăn, ngăn chuồng trú và ngăn trưng bày cho khách tham quan. Bên trong ngăn chuồng trú được lát nền bằng gạch đỏ, phần trên có mái che để bảo vệ động vật khi thời tiết quá nắng hoặc có mưa. Phần dưới nền có kê một bục gỗ chắc chắn để hổ nằm và có máng nước cho hổ uống. Nếu thời tiết dưới 20 độ C, hổ còn được trang bị thêm máy sưởi phía ngoài cửa chuồng để tránh rét.

Đối với khu vực ngăn trưng bày được thiết kế chuồng rào song sắt nhiều lớp, có tường ngăn cách an toàn giữa du khách và động vật. Bên trong ngăn trưng bày được trồng cây bóng mát, nền đất hoặc cát, có hồ nước để hổ tắm. Ngoài ra, khu vực sân chơi còn được tạo sinh cảnh gần giống môi trường thiên nhiên nhiên bên ngoài để hổ có không gian chạy nhảy, leo trèo.

“Việc xây dựng và thiết kế chuồng nuôi đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc gia về nuôi nhốt các loài thú dữ. Diện tích các chuồng nuôi đủ rộng để hổ có thể hoạt động một cách bình thường, phù hợp với các tập tính sinh thái của từng loài và thuận lợi cho hoạt động sinh sản”, anh Mạnh cho hay.

Như chăm con mọn

Ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Vườn thú Hà Nội cho biết, vườn thú Hà Nợi là nơi có cá thể hổ trong điều kiện nuôi nhốt sinh sản đầu tiên tại Việt Nam. Đó là vào tháng 4 năm 2003, hổ mẹ tên Lâm Nhi có nguồn gốc từ xã Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế được giải cứu và đưa về nuôi nhốt ở vườn Thú Hà Nội sau một thời gian đã sinh được 4 hổ con. Đáng tiếc, do lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên chỉ có một con sóng sót, được đặt tên là hổ Mi. Đến cuối năm 2006, sau khi được phối giống hổ Mi đã đẻ được 4 con hổ con. Lần này, dưới sự chăm sóc tận tình và cẩn thẩn đến từng chi tiết của nhân viên và đội ngũ bác sỹ thú y, cả 4 hổ con đều khỏe mạnh.

Nhắc lại kỷ niểm khó quên khi canh hổ đẻ, anh Nguyễn Quang Phúc (49 tuổi, Tổ trưởng tổ chăm nuôi thú dữ) chia sẻ: “Nuôi hổ là một công việc khó nhưng chăm hổ đẻ còn khó hơn chăm con mọn. Thời điểm hổ Mi có dấu hiệu chuẩn bị lâm bồn, nhiều đêm chúng tôi không chợp mắt được. Do được tập huấn kỹ cằng, bằng kinh nghiệm tình yêu thương và sự tận tâm anh em trong tổ, niềm vui vỡ òa khi cả 4 cá thể hổ sinh ra đều khỏe mạnh cho đến hôm nay”.

Theo anh Nguyễn Quang Phúc, chăm sóc hổ không đơn thuần là việc cho chúng ăn mà còn phải biết quan sát trạng thái của từng con. Qua hành động, cử chỉ, tiếng gầm, hơi thở để nhận biết sức khỏe để điều chỉnh khẩu phần thức ăn và chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.

3.jpg
Mỗi cá thế hổ tại Vườn thú Hà Nội có trọng lượng khoảng 150 - 180kg.

Do môi trường nuôi nhốt nên hổ được cho ăn 6 ngày/1 tuần để kiểm soát trọng lượng, tránh bị béo phì. Khẩu phần thức ăn chính chủ yếu là thịt bò, sườn lợn, gan bò và gà công nghiệp…Đối với hổ Đông Dương, thức ăn một ngày gồm 5kg thịt là thịt bò, 1kg sườn lợn, gan bò và gà công nghiệp. Còn hổ Amur và hổ trắng khẩu phần thức ăn hàng nhỉnh hơn gồm 6kg thịt bò loại 1, 1kg sườn lợn và 0,5 kg gan bò.

Việc cho hổ ăn được thực hiện vào 10 giờ hằng ngày. Một điều khá thú vị, ngoài cho ăn thức ăn trực tiếp, nhân viên còn giấu thức ăn ở các vị trí khác nhau để duy trì thói quen, tập tính sinh học cho thú.

Công việc chăm sóc “Chúa sơn lâm” là một trong những công việc vất vả quanh năm suốt tháng, không có ngày nghỉ ngơi. Chỉ cần một con có hiện tượng bỏ ăn hoặc có dấu hiện bất thường, cả đội mất ngủ vì phải thay phiên nhau túc trực theo dõi, bất kể ngày đêm.

Theo các công nhân tại vườn thú, hổ mặc dù rất khỏe nhưng cũng giống như con người, cũng có lúc ốm đau bệnh tật. Đặc biệt, vào những hôm thời tiết chuyển mùa, bản tính thay đổi thất thường, hung dữ hơn, nhiều con có hiện tượng chán ăn, đi ngoài phân nát, nôn mửa, không chạy nhảy…

Gắn bó, gần gũi và yêu thương động vật, các công nhân coi việc chăm nuôi thú là sở thích, đam mê như chăm sóc chính những đứa con thân yêu của mình. Với họ, mỗi ngày nhìn thấy bầy thú dữ khỏe mạnh, nô đùa phát triển là mỗi ngày thêm niềm vui và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá nghề nuôi “Chúa sơn lâm” ở Hà Nội