Đó là trại trâu của vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Tiến và Ngô Thị Hải ở bãi bồi sông Hồng nằm dưới gầm cầu Vĩnh Tuy (thuộc tổ 22, phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội). Với thâm niên hơn 20 năm nuôi trâu, đến nay đàn trâu của ông Tiến đã lên đến 200 con, trở thành trại nuôi trâu lớn nhất Hà Nội.
Khởi nghiệp từ 1,8 triệu đồng
Trại nuôi trâu nhà ông Tiến có diện tích khoảng 500 m2 nằm biệt lập trên một bãi đất trống khu bãi bồi sông Hồng. Bãi đất này xưa kia là bãi đất hoang, chỉ toàn cỏ dại, qua nhiều năm tôn tạo, khai hoang phục hóa, vợ chồng ông Tiến đã làm thay đổi từ vùng đất bỏ không thành vườn cây xum xuê trái ngọt. Đây cũng là nơi lưu trú của gần 200 con trâu, sau một ngày thong dong gặm cỏ trên triền đề, bãi sông Hồng dưới gầm cầu Vĩnh Tuy.
Nhớ lại năm tháng khổ ải khoảng hơn 20 năm trước, ông Tiến tâm sự, ngày ấy cuộc sống khốn khổ, mùa màng phụ thuộc vào thời tiết, đất đai chỉ trồng được hoa màu, có những năm nước lên cây cối chết thối coi như mất trắng. Nhiều người dân bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai, nhưng vợ chồng ông vẫn kiên trì bám trụ, cần mẫn lao động.
Sau nhiều năm lặn lội với đồng ruộng nhưng không đủ sống, năm 1992 vợ chồng ông Tiến đã mạnh dạn mua một con trâu cái với giá 1,8 triệu đồng bằng số tiền vay của ngân hàng vừa để phục vụ cho nông nghiệp, tận dụng sức kéo vừa để sinh sản. Trâu lớn trưởng thành, gần một năm sau thì sinh sản ra một chú nghé con. Nhận thấy việc gây dựng đàn trâu có hiệu quả, vợ chồng ông Tiến lại lên kế hoạch vay mượn tiền ngân hàng, đầu tư nuôi trâu sinh sản. Từ số vốn khởi nghiệp ban đầu 1,8 triệu đồng, sau hơn 20 năm đàn trâu của ông Tiến đã lên con số gần 200 con, cả trâu lẫn nghé.
“Kỹ nghệ” nuôi trâu
Để chăm sóc và quản lý cho đàn trâu, ngoài việc thuê người chăn thả, cắt cỏ và vệ sinh chuồng trại, vợ chồng ông Tiến thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng internet về mô hình nuôi trâu sinh sản thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, để cho đàn trâu khỏe mạnh, không bị bệnh tật, ông Tiến còn tham gia các khóa tập huấn, học hỏi kinh nghiệm phòng tránh dịch bệnh cho đàn trâu từ các bác sỹ thú ý ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện chăn nuôi…
Ông Tiến chia sẻ, trâu nội có ưu điểm là dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và chịu đựng kham khổ tốt. Thức ăn của trâu chủ yếu bằng cỏ, rơm, và các sản phẩm phụ của trồng trọt để có thể tận dụng làm thức ăn. Trâu có đặc tính thích bóng mát và đằm mình nên việc nuôi trâu ở bãi sông Hồng cũng có nhiều thuận tiện hơn do có nguồn cỏ dồi dào và gần sông nên trâu có chỗ ngâm mình.
Hằng ngày, đúng 8 giờ sáng vợ chồng ông Tiến lùa trâu đi chăn thả giữa bãi bồi sông Hồng, có hôm đàn trâu được chăn thả dọc triền đê nối dài đến làng gốm Bát Tràng, cách nhà 4km. Nhờ tận dụng được địa hình chăn thả, nên đàn trâu của ông con nào cũng béo tốt khỏe mạnh. Xế chiều, như một thói quen, sau hiệu lệnh bằng chiếc gậy, đàn trâu lần lượt đi theo hàng thung thăng về chuồng.
Ông Tiến bật mí, trâu là con vật thân thiết với người nông dân nên rất hiểu ý người. Chăn trâu không phải là một công việc nặng nhọc nhưng cũng không hề đơn giản và đòi hỏi cần có kỹ năng và kinh nghiệm. Bởi trâu đi nhóm theo đàn, thường con trâu đực to lớn nhất làm trâu đầu đàn, các con khác sẽ lần lượt nghe theo. Nếu người chăn trâu điều khiển được trâu đầu đàn thì dẫn được cả đàn trâu.
Ngoài ra, trâu có thói quen ăn đêm, chịu rét kém hơn bò và mẫn cảm với một số ký sinh trùng nên việc xây dựng chuồng trại cho trâu ở phải theo đúng yêu cầu “mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bởi vậy, để đảm bảo nguồn thức không bị thiếu, ngoài việc thuê người cắt cỏ, vợ chồng ông Tiến còn ủ sẵn các loại thức ăn thô và tinh để vỗ béo cho đàn trâu.
Vươn lên thành tỷ phú
Trong nhà ông Tiến lúc nào cũng có từ 3-5 lao động giúp việc trồng trọt và chăn thả trâu. Các nhân công này đều được phân công từng việc cụ thể, và khoa học. Anh Lò Văn Hiến, quê ở Yên Bái bộc bạch: “Không có việc làm ổn định nên bạn bè giới thiệu đi thả trâu thuê. Những ngày đầu, việc chăn trâu rất áp lực vì số lượng đàn trâu lớn, anh em chúng tôi phải phân công nhau mỗi người đứng một góc, trâu đi đâu người theo sau đấy”.
Trâu được chăn thả luân phiên cánh đồng, bãi soi ngoài sông, khu dự án bỏ hoang, hoặc ven đê, khoảng mới tuần sau mới lại trở lại điểm cũ để để cỏ kịp sinh sôi. Nhờ chăn trâu lâu ngày và rèn luyện được kỹ năng điều khiển trâu đàn từ ông chủ Tiến, đến nay anh Hiến thuộc tính từng con trong đàn, con nào hiền, con nào hay phá đàn, con sừng to, sừng nhỏ...
“Thu nhập từ nghề này không cao như những ngành nghề khác nhưng được cái thanh thản, không phải nghĩ ngợi nhiều. Ngoài việc chăn trâu, anh em chúng tôi còn cắt cử nhau đi cắt thêm cỏ, trồng ngô và vệ sinh chuồng trại cho đàn trâu được thông thoáng”, anh Hiến chia sẻ.
Đứng trên cầu Vĩnh Tuy nhìn xuống bãi nổi sông Hồng, ngắm đàn trâu đông nhung nhúc mang nhiều màu lông khác nhau thung thăng gặm cỏ đầy thích thú. Trong đàn trâu, con to nhất đàn nặng khoảng 500kg, trung bình cỡ 200 – 300 kg/con. Theo giá thị trường hiện nay, trâu to có giá bán từ 30- 35 triệu, còn nghé thì nuôi độ 6 tháng là bán được. Tính ra với gần 200 con, cả trâu lẫn nghé, khối tài sản “kếch xù” này lên đến gần chục tỷ đồng.
Do đàn trâu thả tự nhiên và không ăn chất tăng trọng nên đàn trâu của ông Tiến được các nhà hàng và siêu thị ở Hà Nội săn đón và đặt hàng thường xuyên. Có đầu ra ổn định, mỗi năm trung bình vợ chồng ông bán được từ 50-60 con, thu về 1 tỉ đồng. Ngoài đàn trâu nhiều người mơ ước, gia đình ông Tiến còn có hàng nghìn cây bưởi và nhãn xanh mỗi năm có cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.