Khai thác bền vững tiềm năng và lợi thế du lịch biển, đảo Việt Nam

Minh Anh| 10/12/2022 08:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo đã giúp ngành du lịch Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách cả nội địa lẫn quốc tế. Tuy nhiên, để du lịch biển đảo “cất cánh”, cần xây dựng và triển khai các chính sách, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp, theo hướng tăng trưởng xanh, đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam.

Du lịch biển, đảo ở Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển, bởi đây là dòng sản phẩm ngày càng được đông đảo du khách trong nước, quốc tế lựa chọn.

Việc phát triển mạnh mẽ du lịch biển, đảo những năm qua đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước.

0706bien1.jpg
Bãi Sao (Phú Quốc) cuốn hút du khách quốc tế. 

Việt Nam có đường bờ biển dài từ Bắc vào Nam cùng 125 bãi biển xinh đẹp. Nhiều địa điểm được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới.

Du lịch biển, thưởng thức “vitamin sea” tinh thần luôn là lựa chọn hàng đầu của người dân Việt Nam mỗi khi hè về. Du khách quốc tế cũng thường lựa chọn những vùng biển, đảo đẹp của Việt Nam để nghỉ dưỡng dài ngày.

Tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo đã giúp ngành du lịch nước ta đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách cả nội địa lẫn quốc tế.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3260km và sở hữu hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ, có khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ.

Với tiềm năng và lợi thế như vậy, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 22/12/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

Đồng thời, du lịch biển đảo được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. 

Thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. 

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam nói chung và của các tỉnh miền Trung nói riêng được đánh giá là đa dạng và phong phú. Nguồn lực tự nhiên này có thể phát triển trở thành điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chưa có đội tàu du lịch biển nào, cơ sở hạ tầng như các cảng tàu du lịch còn rất thiếu thốn. Do vậy, phát triển du lịch biển đảo nói chung và phát triển du lịch tàu biển nói riêng ở Việt Nam trở thành một nhu cầu cấp bách.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, thời gian tới cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch.

vinh-ha-long.jpg
Tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo đã giúp ngành du lịch Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách cả nội địa lẫn quốc tế.

Vấn đề phát triển như thế nào cũng cần được chú trọng, phân kỳ, không phát triển ồ ạt, đồng thời để phù hợp với sức phát triển của thị trường, dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp.

Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên; xác định cộng đồng, người dân địa phương chính là những chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác bền vững tiềm năng và lợi thế du lịch biển, đảo Việt Nam