Tối 26/2 (tức ngày 7/2 m lịch), Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2023 đã khai mạc tại tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Năm nay, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được tổ chức trọng thể trở lại sau 3 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành, các nhà khoa học và sự tham gia của du khách thập phương, nhân dân trong quận và thành phố.
Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 26 đến 28/2/2023 (tức ngày 7 đến 9 tháng 2 năm Quý Mão), phần lễ và phần hội được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm. Trước, trong và sau lễ hội, tại các điểm Khu di tích Đền Nghè, Đình An Biên, Quảng trường Tượng đài, Trung tâm triển lãm thành phố diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài thành phố đến thăm quan, chiêm bái.
Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên TW Đảng, Bí Thư Thành ủy Hải Phòng cùng lãnh đạo thành phố tham dự lễ khai mạc.
Trước khi diễn ra lễ khai mạc, lễ rước bộ được thực hiện theo nghi thức truyền thống. Hai đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn Bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan… Đám rước xuất phát từ Đền Nghè và Đình An Biên đi qua các tuyến phố về quảng trường Tượng đài Nữ tướng xuất phát từ Đền Nghè và Đình An Biên đi qua các tuyến phố về quảng trường Tượng đài Nữ tướng.
Sau lễ rước bộ, lãnh đạo thành phố và các ban, ngành, địa phương tiến hành lễ dâng hương tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, các đại biểu và Nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc, kể về mảnh đất, con người Hải Phòng từ quá khứ, hiện tại và hướng đến tương lai.
Tương truyền Nữ tướng Lê Chân (sinh năm 20 – mất năm 43), quê ở trang Yên Biên (tên Nôm là làng Vẻn, nghĩa là bìa, rìa), huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha nữ tướng là Lê Đạo, làm nghề thầy thuốc, sống rất nhân từ, quảng đại và sẵn lòng bao dung cứu giúp kẻ nghèo khó, sa cơ lỡ bước và mẹ bà là Trần Thị Châu, một người phụ nữ thuỳ mị, đảm đang, phúc hậu, nổi tiếng về tài chăn tằm, dệt vải.
Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất ven sông Cấm ở đầu nguồn, còn trang An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) là do nhóm ngư dân từ trang Yên Biên, tổng Vĩnh Đại, huyện Đông Triều, thừa tuyên Nam Sách di cư về vùng đất này vào cuối thời Lê sơ đầu thời Mạc lập ra.
Tiết mục biểu diễn ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Nữ tướng Lê Chân.
Sau khi cha mẹ bà bị Thái thú Tô Định giết hại vì bà nhất quyết không làm tì thiếp của hắn, bà Lê Chân phải rời bỏ quê theo Kinh Tây (nay là sông Kinh Thày) xuôi xuống phía Nam, đến vùng Vụ Nông, khu vực ngã ba sông Kinh Thầy, sông Vận và sông Cấm ngày nay. Lúc bấy giờ, khu vực này chỉ là một bãi đất phù sa mới bồi lên, lơ thơ mấy khóm cây dại, mấy túp lều tranh của phường chài lưới. Thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà Lê Chân dừng lại lập trại khai phá, lập chiêu mộ binh lính tập luyện, lập nên trang An Biên, ngày nay là vùng đất Hải Phòng. Lê Chân là một trong những nữ tướng xuất sắc, đã giúp Hai Bà Trưng nhiều lần đánh dẹp quan giặc.
Để nhớ công ơn khai khẩn của bà, thành phố Hải Phòng đặt tên một quận mang tên bà và dựng tượng btrước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố; đồng thời, tên của bà được đặt tên cho giải thưởng "Nữ tướng Lê Chân" để trao cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc của đất Cảng.
Việc tổ chức lễ hội Nữ tướng Lê Chân thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức của Nữ tướng Lê Chân. Đây là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng, góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu về lòng yêu nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự tôn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam.