Tin địa phương

Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024

PV 25/02/2024 - 09:45

Sáng nay 25/2 (tức 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tỉnh Hải Dương tổ chức khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 19/2 đến 3/3/2024 (tức ngày 10 đến 23 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Côn Sơn (phường Cộng Hòa) và đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo), thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật của khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới; quảng bá các giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

le-hoi-xuan-cong-son-kiep-bac.jpg
Các sự kiện, hoạt động tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 có điểm nhấn mới là trong lễ khai hội sẽ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là bảo vật quốc gia (vào sáng ngày 25/2, tức 16 tháng Giêng Âm lịch). Lễ tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả sẽ lớn hơn do là năm chẵn và được truyền hình trực tiếp trên một số đài, nền tảng số.

Năm nay, trong thời gian lễ hội, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức Tuần Văn hóa, ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại với nhiều hoạt động hấp dẫn; tổ chức Giải việt dã “Hành trình kết nối Di sản" (sáng ngày 26/2, tức sáng 17 tháng Giêng) cự ly 5km, 10km và 15km, là cự ly dài nhất lần đầu tiên được tỉnh Hải Dương tổ chức.

con-son-kiep-bac-1.jpg
Thi gói bánh chưng tại lễ hội.

Bên cạnh đó, tại lễ hội sẽ có các hoạt động và nghi lễ như thi gói bánh chưng; thi giã bánh giầy, lễ rước nước, liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ XI, thi đấu giải vật dân tộc, thi đấu giải cờ tướng, lễ tế trên núi Ngũ nhạc, lễ giỗ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, lễ Mông Sơn thí thực; các hoạt động nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, quảng diễn các món ăn theo các khung giờ để du khách thưởng thức và trải nghiệm…

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây là quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và 10 năm kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV của nghĩa quân Lam Sơn. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá dân tộc như: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…

Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét.

Đền thờ Nguyễn Trãi tọa lạc tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi.

Đền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Vào thế kỷ XIII, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024