Văn hóa - Du lịch

Khai hội làng Đông Môn trên vùng đất di sản

Thanh Phương 22/02/2024 - 09:23

Lễ hội truyền thống làng Đông Môn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) năm 2024 chính thức được khai mạc vào ngày 22/2.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ Nguyễn Văn Long cho biết, lễ hội truyền thống làng Đông Môn, xã Vĩnh Long năm Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22-24/2 (tức 13-15 tháng Giêng Âm lịch). Nhiều hoạt động thể thao như bóng chuyền hơi, kéo co, đánh cờ người, đẩy xe, văn nghệ, diễn xướng mang màu sắc dân gian…

thamquan.jpg
Du khách tham quan Thành nhà Hồ

Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của tiền nhân đã có công khai ấp lập làng, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Lễ hội cũng là dịp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ở vùng di sản Tây Đô, đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

cokinhdinh.jpg
Đình Đông Môn nơi tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng

Làng cổ Đông Môn nằm trên địa phận xã Vĩnh Long, được đánh giá là một trong những làng cổ tiêu biểu của huyện Vĩnh Lộc. Hiện còn ngôi đình Đông Môn một trong những đình cổ, đẹp, độc đáo của xứ Thanh. Nằm rất gần đền thờ Nàng Bình Khương, việc kết nối di sản Thành nhà Hồ với di tích này cũng rất thuận lợi.

dinhongmon.jpg
Bản giới thiệu về đình Đông Môn

Được biết, đình Đông Môn thờ Thành Hoàng làng và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng; được xem là một trong những ngôi đình cổ nhất Thanh Hóa còn giữ được nguyên trạng.

Đình Đông Môn được xây dựng từ thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), cách cổng thành phía đông Thành Nhà Hồ 70m, mặt trước hướng về phía hào nước của thành đá nhà Hồ, theo phong thủy thì nằm đúng thế "tụ thủy" là điềm thịnh mãn cho làng. Đình nằm ở vị trí trung tâm có ý nghĩa lớn về vị trí địa lý và tâm linh đối với nhân dân trong làng.

nhaho.jpg
Di sản Thành nhà Hồ triển khai nhiều hoạt động để hút khách du lịch

Xưa kia Đông Môn là trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ là ông Vũ Khắc Minh cai quản, người có công lao lớn đối với họ Lê và chúa Trịnh. Ông Vũ Khắc Minh từ Hà Nam Ninh vào Thanh Hóa chiêu nạp con cháu họ Vũ và nhân dân khai ấp họ Trịnh, khôi phục lại làng Đông Môn.

Khi ông Vũ Khắc Minh mất thì nhân dân suy tôn là Thành Hoàng làng và đình Đông Môn là nơi thờ tụng, sau này nơi đây được sử dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng. Hiện nay dân cư trong làng Đông Môn chủ yếu mang họ Vũ.

maidnh.jpg
Ngôi đình cổ đang ngày bị xuống cấp cần được đầu tư, tôn tạo

Trong đình làng hiện nay còn lưu giữ đôi câu đối: “Hồ Thành đối trĩ giang sơn cựu/Trịnh ấp tung hoành đồng Vũ tân (Thành Nhà Hồ đứng sừng sững cùng non sông kỳ cựu/ Ấp họ Trịnh, tòa ngang, dãy dọc, họ Vũ mới xây). Kiến trúc của đình gồm 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, bốn tàu mái cao rộng đó không trở nên nặng nề vì nhờ bốn góc có bốn tầu đao cong vút như nâng các tàu mái bay bổng.

Đình Đông Môn cũng chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của nhân dân, chính quyền địa phương và chuyên gia quốc tế trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản Thành Nhà Hồ. Sự hiện diện của ngôi đình vẫn luôn gắn bó với tâm hồn, cuộc sống và là nơi gắn kết tình cảm cộng đồng của người dân nơi đây; có cây đa, giếng nước mà mỗi người dân quê khi đi xa vẫn không thể nào quên.

Đình Đông Môn được xây dựng vào thế kỷ 19 thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đình có kiến trúc gồm 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái. Đình trong giáp với đình ngoài tạo nên kết cấu theo kiểu chữ chữ đinh (J). Với sự độc đáo về cấu trúc và mang giá trị nghệ thuật cao, năm 1995 đình làng Đông Môn được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Các lễ hội gắn với việc phục dựng các nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương được lưu giữ từ nhiều đời chính là sự hấp dẫn, lôi cuốn cho du khách, nhân dân gần xa khám phá di sản Thành nhà Hồ. Qua đó thúc đẩy du lịch phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai hội làng Đông Môn trên vùng đất di sản