Các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm các bệnh viện có thể mua ngay được thuốc để phục vụ công tác mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu y tế
Đáng chú ý, Nghị định 24 đã quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm các bệnh viện có thể mua ngay được thuốc để phục vụ công tác mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian.
Liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24 đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình mà không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.
Đối với trường hợp thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc đã đấu thầu nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung đã ký trước đó hết hiệu lực, bệnh viện được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tối đa 12 tháng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng giá hợp đồng.
Ngoài ra, trường hợp nhà thầu đã trúng thầu (bao gồm cả trúng thầu gói thầu đấu thầu tập trung) nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng không thể tiếp tục cung cấp thuốc thì bệnh viện được phép chỉ định thầu cho nhà thầu khác thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu mà không giới hạn hạn mức chỉ định thầu.
Quy định như nêu trên sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các bệnh viện trong việc mua thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh; cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương.
Được chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu
Về xác định giá gói thầu, Nghị định 24 quy định việc thu thập báo giá là một trong 7 căn cứ để xác định giá gói thầu. Riêng lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu; đối với các lĩnh vực khác thì chỉ được lấy giá trị trung bình của các báo giá làm giá gói thầu.
Quy định như nêu trên góp phần giúp cho bệnh viện lựa chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của mình.
Để bảo đảm phù hợp với đặc thù mua sắm tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, có ít nhân sự, Nghị định 24 cũng quy định trường hợp chủ đầu tư không có nhân sự đáp ứng yêu cầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu tư vấn để làm tổ chuyên gia, tổ thẩm định thì có quyền huy động, giao việc cho các nhân sự là các bác sỹ, dược sỹ, cán bộ quản lý hoặc mời các cán bộ thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định để thực hiện hoạt động mua sắm.
Bên cạnh đó, Nghị định 24 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành các mẫu hồ sơ lựa chọn nhà thầu đối với thuốc; hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí, tổng hợp nhu cầu để lập danh mục thuốc mua sắm tập trung; thời hạn tổng hợp danh mục, thời gian ban hành danh mục; thời gian dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu, thời gian dự kiến công khai thông tin về thỏa thuận khung, hợp đồng trong mua sắm tập trung.
Quy định nêu trên nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, thống nhất trong đấu thầu thuốc nói chung và ban hành danh mục, thời gian đấu thầu tập trung, các thông tin về thỏa thuận khung, hợp đồng trong mua sắm tập trung đối với mua sắm tập trung để các bệnh viện làm cơ sở chủ động triển khai đấu thầu đối với thuốc không thuộc danh mục mua sắm tập trung và kịp thời ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu thông qua đấu thầu tập trung.
Luật Đấu thầu năm 2023 cũng quy định cụ thể các trường hợp giám đốc bệnh viện được tự quyết định mua sắm mà không nhất thiết phải tổ chức đấu thầu; cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ hàng hóa để lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt; áp dụng tùy chọn mua thêm để có thể mua thêm ngay được hàng hóa mà không phải tổ chức đấu thầu; được đàm phán giá, mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít (như thuốc chữa ngộ độc, rắn độc cắn...) và nhiều nội dung mới khác.
Nghị định 24 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 27/2/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với ngành y tế và quyết tâm không để thiếu thuốc, vật tư y tế đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ. Từ đó, các cơ sở khám chữa bệnh tự tin, chủ động thực hiện hoạt động mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đặc biệt là bảo đảm đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ tốt hơn công tác khám bệnh, chữa bệnh vì mục tiêu bảo vệ tính mạng và chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường năng lực triển khai Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24 để tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trên cả nước kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.