Cử tri và nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); lo lắng về vấn đề thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế đã xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối... Đó là một số nội dung đáng chú ý mà Báo cáo của Ban Dân nguyện trình bày để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 15/3.
Còn 423 kiến nghị của cử tri chưa được trả lời
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 02/2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng thời, cử tri tin tưởng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Cử tri tin tưởng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Cử tri đồng tình ủng hộ Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đánh giá cao việc kiên quyết xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được cử tri quan tâm và mong muốn các ý kiến đóng góp của nhân dân cần được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cử tri hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 21 và việc lựa chọn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án và Kiểm sát được dư luận quan tâm.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân cả nước còn phản ánh và lo lắng về tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum; vấn đề thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế đã xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối, ảnh hưởng lớn đến công tác việc khám, chữa bệnh cho người dân; tình trạng bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục; tình trạng ùn ứ tiếp diễn tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông.
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của củ tri của cơ quan có thẩm quyền, tính đến ngày 13/3/2023, Ban Dân nguyện đã nhận được 2.170/2.593 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, cụ thể: Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 76/91 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.067/2.469 kiến nghị; Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận và trả lời 17/20 kiến nghị; các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương đã tiếp nhận và trả lời 10/13 kiến nghị.
Đến nay còn 423 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện đang tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 02/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm nhiều so với tháng 01/2023.
Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 158 lượt với 319 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 158 vụ việc, trong đó có 86 vụ việc khiếu nại, 17 vụ việc tố cáo, 55 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 10 lượt đoàn đông người (so với tháng 01/2023, giảm 404 lượt với 620 công dân về 403 vụ việc và 16 lượt đoàn đông người).
Trên cơ sở đó, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện trước ngày mùng 5 hàng tháng để Ban Dân nguyện kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp chiến lược lâu dài bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân; tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục; tiếp tục có giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và lâu dài nhằm khắc phục, ngăn chặn sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời gian tới.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2023 tại phiên họp
Các kiến nghị của cử tri đã được chuyển đến UBTVQH
Phát biểu giải trình thêm một số nội dung, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết: những kiến nghị nêu trong công tác dân vận tháng 12/2022 và tháng 1/2023, Bộ Công an đã nghiêm túc tiếp thu và thực hiện rất tốt, không có vướng mắc. Bên cạnh đó, sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Bộ Công an đã có tiếp nhận 51 kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến, hiện nay đã giải quyết 51/51 kiến nghị.
Liên quan đến tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật và công ty mua bán, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, tình trạng này đã xuất hiện từ tháng 10/2022, hiện đã phát hiện và đang xử lý theo quy định pháp luật. Còn về tình trạng mạo danh giáo viên và nhân viên bệnh viện để lừa đảo phụ huynh, gia đình học sinh, bằng thủ đoạn dùng tin nhắn báo cho gia đình có con đã vào viện để lừa đảo phải chuyển tiền, Bộ đã điều tra và phát hiện, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa hai nội dung trên.
Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Y tế, các nhân, tổ chức có liên quan đã có gửi báo cáo đến UBTVQH về thực trạng, giải pháp và kiến nghị tới Chính phủ để khắc phục tình trạng này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo công tác dân nguyện. Tại phiên họp, đại diện Tập đoàn điện lực, Bộ Công Thương, Bộ Công an có báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương bám sát đề xuất của báo cáo công tác dân nguyện để tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm một số vấn đề như về định mức chế độ tiêu chuẩn so với Luật Điện lực giữa điện thường và điện gió; thủ tục tiếp nhận để tháo gỡ khó khăn cho các công ty.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sau phiên họp này, Ban Dân nguyện hoàn chỉnh báo cáo gửi các cơ quan tổ chức thực hiện.