Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng và cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung những vấn đề mới phát sinh, phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó
Dự thảo Luật đã mở rộng các đối tượng được khen thưởng như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kể cả cá nhân, tập thể nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua, yêu nước.
ĐB Quàng Thị Nguyệt- Điện Biên cho rằng: Nguyên tắc khen thưởng so với luật thi đua khen thưởng hiện hành dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” nhằm đề cao tính kịp thời của khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích như trước đây.
Tuy nhiên, dự thảo còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng thì vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm.
Đại biểu nêu ví dụ: Tiêu chuẩn được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất là đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì và 5 năm tiếp theo liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiêm vụ, trong thời gian đó có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 2 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành tỉnh. Theo đó cộng 2 lần được tặng chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành tỉnh mất ít nhất 6 năm. Như vậy nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh thì không đủ điều kiện khen thưởng danh hiệu này.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát các tiêu chí khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng cộng dồn thành tích thi đua khen thưởng để công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất, động viên cá nhân tập thể phát huy truyền thống yêu nước năng động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đóng góp cho sự phát triển.
ĐB Điểu Huỳnh Sang- Bình Phước cho rằng, điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng như dự thảo luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang, trong khi đó luật hiện hành lại chưa bao quát cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước như công nhân, nông dân, trí thức.
Các quy định về khen thưởng còn chung chung, chưa cụ thể, mang tính định tính, chưa cụ thể và phải điều chỉnh bằng các thông tư, văn bản hướng dẫn. Do đó các văn bản phải liên tục thường xuyên sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Trong quá trình tổ chức thực hiện về điều kiện, tiêu chí khen thưởng đối với công nhân, người lao động trực tiếp còn lúng túng khó triển khai. Để đảm bảo mục tiêu thi đua khen thưởng khuyến khích cổ vũ động viên cá nhân tập thể hăng hái thi đua lao động trong công tác sản xuất kinh doanh cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng vào dự thảo luật.
Khắc phục tình trạng vì thành tích mà bao che sai phạm
ĐB Nguyễn Thị Xuân- Đắk Lắk cho rằng: Tiêu chuẩn đơn vị quyết thắng phải có 100 cá nhân trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao thoạt nhiên nghe khá chặt chẽ nhưng chưa phù hợp với thực tiễn.
Thực tế xét duyệt đơn vị quyết thắng của lực lượng vũ trang nhiều năm nay vẫn luôn gặp vướng mắc về quy định này vì lực lượng vũ trang có đặc thù là nhiều đơn vị cấp phòng, cấp quận huyện có quân số đông thậm chí với vài trăm vài ngàn chiến sĩ thì để đảm bảo tiêu chuẩn 100% cán bộ chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao là không khả thi.
Bởi vì trong hàng trăm ngàn cán bộ chiến sĩ như vậy, chỉ 1 người sinh con thứ ba hoặc mất thẻ ngành thì nỗ lực thành tích của cả bao nhiêu người bị coi như số 0; thậm chí nảy sinh tình trạng lãnh đạo bao che sai phạm của cán bộ chiến sĩ để đơn vị mình nhận thành tích. Do đó nên quy định tỷ lệ này ở mức 95% là phù hợp, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cần quan tâm, khắc phục những bất cập của ngành về thủ tục bình xét công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất. Luật hiện hành quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ, mà không có sự phân cấp, phân ngành rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang; còn phân định cấp trên với cấp dưới, dẫn đến hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn mang tính hình thức.
Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, đại biểu đề nghị, dự thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang nhường thành tích, kết quả cho nhau để bảo đảm có thời gian liên tục.
Phát biểu giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Phần thảo luận của các đại biểu đã làm rõ thêm nguyên tắc Luật sửa đổi bổ sung Luật thi đua khen thưởng. Dự thảo Luật có độ bao phủ rộng, cả những người đang ở nước ngoài, có nhiều đóng góp cho đất nước.
Nên nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo tính bao trùm, kế thừa và đổi mới. Dự thảo đã nghiên cứu đổi mới những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, hướng mạnh hơn đến đối tượng ngoài nhà nước, chú trọng cơ sở. Các hình thức thi đua, khen thưởng đều có danh hiệu.
Luật chú tronh bao trùm nhất là “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, nên yêu cầu về vấn đề này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt từ khi bắt đầu sửa đổi. Theo đó, chỉ bổ sung 6 loại hình khen thưởng, định hình rõ các nhóm và đối tượng khen thưởng.
Các ý kiến đại biểu đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau, Bộ trưởng cho biết.