Quốc hội thảo luận, nghe giải trình thêm về 2 dự án luật

Ngọc Mai| 28/10/2021 07:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (28/10), dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là 2 dự án luật được các đại biểu thảo luận và nghe giải trình thêm từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

quoc-hoi-thao-luan-nghe-giai-trinh-them-2-du-an-luat.jpg
Phiên họp quốc hội tại hội trường

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Sau các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 98 Điều, đã sửa đổi và điều chỉnh 94 Điều, đặt tên điều luật đối với 98 Điều. Trong đó, dự thảo Luật điều chỉnh lại 24 điều của Luật hiện hành thành 13 điều của dự thảo Luật, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất, bao quát; dự thảo Luật có 8 điều mới, trong đó có 3 điều mới hoàn toàn và 5 điều mới do tách ra từ các điều của Luật hiện hành; Khoản 1 Điều 101 Luật hiện hành quy định về khen thưởng tổng kết thành tích khen thưởng kháng chiến được thiết kế thành quy định chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 98 dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành; khoản 2 Điều 101 của Luật hiện hành quy định các hình thức động viên khác được thiết kế thành 1 điều (Điều 80) quy định về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các hình thức động viên khác.

Dự thảo luật sửa đổi với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.

Đáng chú ý, dự án luật bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình bày ngày 23/10 cho thấy, Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, thể hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, Ủy ban Xã hội nhất trí với tên gọi là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời, nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Chính phủ trong việc bổ sung đối tượng khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng, trong đó quan tâm đến đối tượng là tập thể nhỏ và đối tượng người lao động trực tiếp (công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học); cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài...

Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Vào phiên họp buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Chương VI về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm 2 mục, là chương mới so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Dự thảo Luật đã loại bỏ “phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện” vì: Dự thảo Luật đã quy định điều kiện chung để tiến hành các hoạt động phát hành phim cần tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ; Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, phim nhập khẩu phim phải đảm bảo không vi phạm khoản 1, Điều 10 .

Do vậy, quy định điều kiện kinh doanh đối với phát hành phim là không cần thiết đồng thời việc bỏ điều kiện sẽ khuyến khích lĩnh vực phát hành phim phát triển.

Theo Tờ trình vào ngày 23/10, trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án: Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng;  Phương án 2: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất phim. Trong đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1.

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành sau 15 năm thi hành... để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh. 

Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác. Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh. Cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi. Các quy định của Luật bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung thẩm tra nêu chi tiết về: Chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh; Quản lý nhà nước về điện ảnh; Về sản xuất phim; Phát hành phim; Phổ biến phim; Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Lưu chiểu, lưu trữ phim.

Trong quá trình thảo luận tại phiên họp hôm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận, nghe giải trình thêm về 2 dự án luật