Kê khai tài sản: Cần có phân tích về xung đột lợi ích

Mai Thoa| 25/12/2018 09:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm triển khai Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2018 mới được Quốc hội ban hành có hiệu quả, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam.

Nhằm triển khai Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2018 mới được Quốc hội ban hành có hiệu quả, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Buổi tọa đàm đã có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề này.

Phải tìm ra nguyên nhân thì mới chặn được tham nhũng

Phát biểu tại hội thảo, ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về phòng chống tham nhũng UNODC Đông Nam Á - Thái Bình Dương cho rằng, tham nhũng là trở ngại lớn nhất với sự phát triển kinh tế xã hội trên thế giới. Mỗi năm, ước tính khoảng 1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ, trong khi 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng - con số tương đương với 5% GDP toàn cầu. Tại các nước đang phát triển, ước tính số ngân sách bị mất đi do tham nhũng lớn gấp 10 lần tổng giá trị viện trợ phát triển chính thức (theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên hợp quốc).

Theo ông Francesco Checchi, việc phê chuẩn UNCAC (Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc) vào ngày 30/6/2009 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện các quy định của Công ước, trong các quá trình xây dựng pháp luật cũng như thực tiễn. Từ đó đến nay đã có những thay đổi tích cực. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất những bước rất quan trọng của chu trình dánh giá việc thực hiện Chương II về phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Những sửa đổi gần đây của BLHS và Luật PCTN cũng như các đạo luật khác đã tăng cường cơ sở pháp lý cho công tác PCTN.

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng: quan trọng nhất hiện nay trong PCTN là tìm ra nguyên nhân, gốc gác dẫn đến tham nhũng, vi phạm pháp luật mang tính phổ biến. Thay vì xử lý từng cá nhân, đối tượng liên quan, cần tìm ra lỗ hổng của cơ chế, chính sách liên quan. Bởi bất cứ tội phạm, hành vi nào đều có căn nguyên, phải nhận diện những vấn đề đang nổi lên mà dẫn đến hàng loạt sai phạm. Cũng như từ thanh tra, phát hiện lỗ hổng để sửa đổi chính sách.

Kê khai tài sản: Cần có phân tích về xung đột lợi ích

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại Tọa đàm

Đặc thù hiện nay quản lý tài sản trong xã hội là cơ chế chưa thật chặt chẽ, nên các giao dịch, dịch chuyển, sự bất minh trong quan hệ kinh tế dân sự chưa quản lý được. Nền kinh tế sử dụng tiền mặt lớn, dòng tiền trong xã hội chủ yếu tiền mặt, kiểm soát chưa chặt chẽ. Dù có Luật Phòng chống rửa tiền nhưng khẳng định đâu là tiền sạch, đâu là tiền có vấn đề là rất khó.

Theo một lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ, Việt Nam đã tuyên truyền phổ biến rất nhiều nhưng tham nhũng không thuyên giảm mà có phần gia tăng, nhiều đại án xảy ra. Việc kê khai tài sản có từ lâu, nhưng thực trạng là kê khai xong rồi gửi cho bộ phận tổ chức cán bộ cất đi, thời gian công khai rất ngắn; Kê khai rất hình thức, việc kiểm soát rất khó khăn vì đang làm rất thủ công, thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản và kiểm soát. Nếu kê khai mà không kiểm soát được thì có lẽ PCTN thất bại.

Bên cạnh đó, người tố cáo tham nhũng rất hay bị trù dập, đe đọa trả thù, không chỉ bản thân mà cả họ hàng, mà muốn toàn xã hội tham gia PCTN, vậy công nghệ 4.0 giúp gì cho người dân kết nối trực tiếp với cơ quan PCTN và bảo vệ được danh tính người tố cáo hay không là vấn đề được đặt ra.

Ông Francesco Checchi cho biết: UNODC đã tiến hành một nghiên cứu, với sự tham gia của Thanh tra Chính phủ. So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, cơ chế kê khai tài sản ở Việt Nam là khá tốt. Nhưng việc kê khai như hiện nay chưa có phân tích về xung đột lợi ích, chưa có báo cáo về khả năng có thể xảy ra xung đột lợi ích. Cần có trách nhiệm, nghĩa vụ kê khai cả các khoản vay, khoản nợ như vay mua nhà, hiện nay mới chỉ tập trung vào phần thu nhập, nhưng còn phần nợ cũng cần đưa vào.

Về bảo vệ nhân chứng, vấn đề này không phải duy nhất Việt Nam thấy cần thiết mà các quốc gia khác cũng thấy như vậy, nhất là tố cáo tại nơi làm việc thì đều lo ngại bị trù úm. Cần có các biện pháp, quy định để có thể giúp mọi người tự tin hơn khi tố cáo tham nhũng, hối lộ. Phải xây dựng cơ chế để người lao động yên tâm hơn, không cảm thấy quá sợ hãi, dù không thể đảm bảo 100% được.

7 điểm mới đáng lưu ý

Luật PCTN 2018 có 7 điểm mới đáng lưu ý, đó là: Mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước; quy định thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; thời điểm kê khai và trách nhiệm người đứng đầu trong trong việc để xảy ra tình trạng tham nhũng…

Theo đó, Luật PCTN đã mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật cũ, mà được mở rộng thêm các đối tượng, cụ thể: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Ngoài việc quy định thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai, ngoài danh mục như quy định trước đây, như: Nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.

Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai. Nếu có biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm phải kê khai bổ sung. Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh.

Nếu như trước đây, Luật cũ không đề cập đến phương thức và thời điểm kê khai thì nay, Luật PCTN 2018 quy định khá cụ thể.

Theo đó, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức sau: Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; sĩ quan; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019… Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 năm có biến động tài sản. Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12…

Luật cũng quy định, Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử…

Đáng chú ý, nếu cán bộ, công chức kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc. Cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Điều 72 của Luật này quy định: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.      

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kê khai tài sản: Cần có phân tích về xung đột lợi ích