Một toà án hàng đầu của Liên Hợp Quốc đã mở phiên xét xử tranh cãi pháp lý gay gắt giữa Iran và Mỹ về việc nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran.
Phiên xét xử của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan bắt đầu ngày 27/8 với nội dung tập trung lắng nghe những lập luận và bằng chứng mà luật sư của Iran đưa ra để chứng minh các biện pháp của Mỹ đã gây thiệt hại cho kinh tế của Iran như thế nào.
Tại phiên tòa, chính quyền Tehran đã yêu cầu các vị Thẩm phán thuộc Tòa án Thế giới nhanh chóng chấm dứt các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ các lợi ích của Iran. Mỹ sẽ phải đưa ra lập luận của mình trước tòa án trong hôm 28/8.
Trước đó, Iran đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tòa án Công lý quốc tế vào hồi cuối tháng 7 khi cho rằng, các đòn trừng phạt kinh tế mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt vào ngày 8/5 đã vi phạm một thỏa thuận song phương ký kết năm 1955, còn được biết đến như Hiệp ước Hữu nghị, giúp quản lý các quan hệ kinh tế và lãnh sự giữa hai nước.
Iran và Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý
Luật sư đại diện của Iran, ông Mohsen Mohebi nói trước tòa án rằng, quyết định trên của Mỹ rõ ràng là vi phạm hiệp ước năm 1955 bởi nó gây tổn hại có chủ ý, nghiêm trọng nhất có thể, nhằm vào nền kinh tế của Iran.
Tehran cũng kêu gọi các thẩm phán ra lệnh dỡ bỏ lệnh trừng phạt ngay lập tức. Iran cho rằng các biện pháp của Mỹ gây ra những tổn hại không thể khắc phục. Tehran cho biết thêm, Mỹ không có quyền tái áp dụng các biện pháp như vậy và đòi Mỹ bồi thường thiệt hại.
Được biết, Hiệp ước Hữu nghị năm 1955 được ký kết khi Mỹ và Iran vẫn là đồng minh sau cuộc cách mạng năm 1953. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai nước dần tụt dốc kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran và vụ khủng hoảng con tin ở Đại sứ quán Mỹ. Hiện nay, bất chấp mối quan hệ suy giảm xuống mức tồi tệ nhất, Hiệp ước trên vẫn có hiệu lực.
Bước tiếp theo trong vụ kiện mới của Iran sẽ là một phiên nghe chứng mà trong đó Mỹ có phần chắc sẽ tranh luận liệu có căn cứ để đưa ra phán quyết tạm thời hay không. Tòa án vẫn chưa định bất kì ngày nào, nhưng các phiên nghe chứng cứ về các yêu cầu phán quyết tạm thời thường được nghe trong vòng vài tuần, với phán quyết được đưa ra trong vòng vài tháng.
Tòa án này cũng có thể mất vài tháng để quyết định xem liệu có nên đưa ra phán quyết tạm thời hay không. Phán quyết cuối cùng có thể phải mất vài năm mới được đưa ra.