Ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt 4,7 tỷ USD mới cho Argentina, ca ngợi chính quyền mới của Tổng thống Javier Milei khi ông thực hiện cắt giảm chi phí "táo bạo" để đưa nền kinh tế ốm yếu của đất nước trở lại đúng hướng.
Khoản giải ngân mới - một phần của chương trình viện trợ trị giá 44 tỷ USD - là để "hỗ trợ các nỗ lực chính sách mạnh mẽ của chính quyền mới nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô", IMF cho biết trong một tuyên bố.
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva ca ngợi "những hành động táo bạo của Chính phủ Milei nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô và... giải quyết những trở ngại lâu dài đối với tăng trưởng".
Tổng thống Milei, một người theo chủ nghĩa tự do và tự nhận mình là "nhà tư bản vô chính phủ", nhậm chức vào tháng 12 với cam kết cắt giảm chi tiêu và chấm dứt hàng thập kỷ khủng hoảng kinh tế của nước này.
Argentina đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ quản lý yếu kém khiến tỷ lệ nghèo đói lên tới 40% và đẩy lạm phát lên mức hơn 200% hàng năm.
Ông Milei, 53 tuổi, đã giành chiến thắng bầu cử vang dội trong làn sóng phẫn nộ trước các cuộc khủng hoảng được đánh dấu bằng nợ nần, in tiền tràn lan, lạm phát và thâm hụt tài chính.
Tuy nhiên, các biện pháp cắt giảm chi phí của ông cũng gây ra phản ứng dữ dội và các cuộc biểu tình rầm rộ, khiến nhiều người dân lo ngại ông sẽ khiến họ kém may mắn hơn.
Tổng thống Milei bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách phá giá đồng peso hơn 50%, cắt giảm trợ cấp của Nhà nước cho nhiên liệu và vận tải, giảm một nửa số bộ và bãi bỏ hàng trăm quy định của nền kinh tế.
Bà Georgieva cho biết: "Những hành động ban đầu của Chính phủ đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, mặc dù con đường dẫn đến ổn định sẽ gặp nhiều thách thức".
Tổng thống Milei cho rằng việc xử lý “sốc” kinh tế là giải pháp duy nhất cho những khó khăn của đất nước, đồng thời cảnh báo rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện.
Thông báo của IMF được đưa ra cùng ngày khi Hạ viện Argentina bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài về dự luật lớn của Tổng thống Milei nhằm cải cách nền kinh tế, chính trị và thậm chí một số khía cạnh của đời sống riêng tư - từ các vấn đề văn hóa đến bộ luật hình sự về ly hôn.
Tổng thống Milei không chiếm đa số trong Quốc hội và các nhà lập pháp đối lập ôn hòa đã cảnh báo rằng họ sẽ tìm kiếm những thay đổi tiếp theo đối với dự luật, đặc biệt là về vấn đề nhạy cảm về việc ủy quyền đặc biệt cho cơ quan hành pháp trong trường hợp khẩn cấp về kinh tế cũng như về phạm vi và mức độ của tư nhân hóa.