IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt “bóng ma giảm phát”

16/01/2014 16:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagard vừa cảnh báo đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rủi ro giảm phát.

IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt “bóng ma giảm phát”

Bà Lagarde nói: “Chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm phát ngày càng tăng cao và đây có thể là một điều không may đối với đà phục hồi”.

 

Bà Lagarde nhận định niềm lạc quan về tăng trưởng đang dâng cao nhưng đà phục hồi vẫn còn “mong manh”. Bà cho biết trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Mỹ (NPC) tại Washington: “Nếu lạm phát là thiên thần thì giảm phát là ác quỷ mà chúng ta cần phải chống chọi quyết liệt”.

Trước đó trong ngày thứ Tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết kinh tế toàn cầu đang ở “thời điểm bước ngoặt” nhưng vẫn còn dễ bị tổn thương.

Bà Lagarde nói: “Chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm phát ngày càng tăng cao và đây có thể là một điều không may đối với đà phục hồi”.

Điển hình như, lạm phát tại Eurozone vẫn còn thấp hơn so mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cuộc tranh luận về nguy cơ xuất hiện giảm phát tại khu vực này ngày càng nóng dần.

Giảm phát có thể cắt giảm chi tiêu cá nhân vì mọi người sẽ đợi giá giảm mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, giảm phát cũng sẽ khiến hoạt động đầu tư suy yếu vì điều này gia tăng chi phí vay mượn thực.

Bà Lagarde cũng cảnh báo về những bất ổn có thể đi kèm với động thái thu hồi kích thích tiền tệ từ từ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bà nhận xét: “Nhìn chung, đây là một chiều hướng tích cực nhưng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn quá thấp, quá yếu và quá chông chênh”.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày thứ Tư, World Bank cho biết dường như các quốc gia giàu có “cuối cùng cũng đã chuyển hướng” sau cuộc khủng hoảng tài chính. Và điều này có thể thúc đẩy các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng mạnh hơn.

Tuy nhiên, World Bank cũng cảnh báo triển vọng tăng trưởng vẫn nhạy cảm với việc rút lại các biện pháp kích thích kinh tế tại Mỹ. Được biết, Fed đã bắt đầu cắt giảm quy mô của chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD/tháng.

Quyết định được đưa ra vào tháng 12/2013 của Fed đã làm dấy lên mối lo ngại rằng lãi suất toàn cầu có thể gia tăng và ảnh hưởng đến dòng chảy của nguồn vốn đầu tư tại các quốc gia phát triển cũng như khiến các thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh hơn.

Trả lời phỏng vấn BBC, chuyên viên kinh tế Andrew Burns của World Bank thừa nhận Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia là các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi động thái của Fed. Dù vậy, ông Burns cho biết bước đi đầu tiên của Fed trong tháng trước không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường.

Phước Phạm (Theo BBC)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt “bóng ma giảm phát”