Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Không nên lấy lý do xã hội còn chưa hoàn toàn chấp thuận để biện hộ cho sự chậm trễ trong việc bảo vệ về mặt pháp lý quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)”.
Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam
Hôm qua (15/5), Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã có buổi tọa đàm “Thành tựu và thách thức của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới”.
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày thế giới chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOT) 17/5 năm nay.
Tại buổi tọa đàm, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển cùng cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đã cùng nhìn lại những bước tiến đạt được và thảo luận phương hướng giải quyết những thách thức như: tình trạng bị phân biệt đối xử trong gia đình và trường học, tình trạng không đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất...
Đa số người LGBT vẫn đang phải che dấu xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình và không có được sự trợ giúp tâm lý, pháp lý và sức khỏe khi cần thiết.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Theo kết quả khảo sát trên hơn 3.000 người LGBT do Trung tâm ICS và iSEE tiến hành năm 2014, có tỉ lệ người LGBT bị kỳ thị trong gia đình là 39%, chủ yếu bị mắng chửi (22,8%), hoặc bị đuổi ra khỏi nhà (4,6%), 44% bị kỳ thị trong trường học, chủ yếu bị bạn bè trêu ghẹo, bị ép buộc cách ăn mặc, hoặc bị gọi phụ huynh đến. Trong môi trường công việc, 21% đã từng bị kỳ thị; tỉ lệ này cao đặc biệt trong nhóm chuyển giới, với 68% đã bị kỳ thị, bao gồm cả các trường hợp nghiêm trọng như cho thôi việc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Không nên lấy lý do xã hội còn chưa hoàn toàn chấp thuận để biện hộ cho sự chậm trễ trong việc bảo vệ về mặt pháp lý quyền của LGBT. Ngược lại, một hệ thống luật pháp và hoạch định chính sách tiến bộ sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy quyền của các nhóm yếu thế và tạo nên những thay đổi tích cực về mặt xã hội và văn hóa”.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng thảo luận về các giải pháp nhằm làm giảm phân biệt đối xử đối với người LGBT như: đưa nội dung đa dạng tính dục vào trường học, hỗ trợ các chương trình chăm sóc sức khỏe tình dục, đặc biệt cho nhóm LGBT…
Một trong những hoạt động nổi bật của IDAHOT 2015 là sự kiện “BUBU Town” hay Thị trấn BUBU – Vùng đất tự do và sáng tạo - diễn ra vào ngày mai (17/5) dành cho cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới và những người ủng hộ.