Đời sống

Huyện Yên Dũng: Đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số

PV 08/07/2023 - 22:18

Bằng quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) đang từng bước thực hiện việc chuyển đổi số (CĐS) trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Xây dựng chính quyền điện tử

Để tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tổng thể, toàn diện, huyện Yên Dũng đã đề ra mục tiêu xây dựng mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số; đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội; tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số chuyển đổi số của huyện Yên Dũng trong nhóm 5 huyện đứng đầu trên địa bàn tỉnh về CĐS năm 2023.

anh-1-bai-chuyen-doi-so-yen-dung.jpg
Thực hiện số hóa văn bản trong các cơ quan của huyện Yên Dũng.

Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể về CĐS. Đối với phát triển chính quyền số, huyện Yên Dũng tập trung nâng cấp trang thiết bị, hệ thống mạng nhằm kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao, đảm bảo kết nối thông suốt từ xã tới huyện, tỉnh, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn về cơ sở hạ tầng kết nối. Huyện phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần phát sinh hồ sơ đạt trên 90%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến đạt trên 60%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt trên 40%; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị đạt tối thiểu 60% đối với cấp huyện, 55% đối với cấp xã; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử đạt 100% (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cấp huyện trên 85%, cấp xã trên 55%.

Bên cạnh đó, huyện cũng phấn đấu trên 85% chế độ báo cáo, tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; đạt 100% các hệ thống thông tin được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông; trên 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; đạt 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng Cổng thông tin điện tử là cổng thành phần của Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh Bắc Giang.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị phổ biến kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và nhận hồ sơ tại nhà cho cán bộ bưu điện; xây dựng phần mềm tự chấm điểm chỉ số cải cách hành chính cấp xã.

Phát triển kinh tế số và xã hội số

Về phát triển kinh tế số, huyện Yên Dũng phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; đạt 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể áp dụng hóa đơn điện tử; đạt 100% sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

anh-2-bai-chuyen-doi-so-huyen-yen-dung.jpg
Huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến cho các cán bộ trực tại bộ phận một cửa trên địa bàn huyện.

Về phát triển xã hội số, huyện phấn đấu tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% thôn; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt trên 90%; đạt 100% trụ sở cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện được gắn biển địa chỉ số. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%. Tỷ lệ người dân ứng dụng định danh điện tử đạt trên 30%. Tỷ lệ dân số trưởng thành trở lên có chữ ký số cá nhân trên 20%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến trên 60%. Tỷ lệ quản lý sức khỏe toàn dân đạt trên 90%, tỷ lệ khám chữa bệnh từ xa đạt trên 40%.

Đối với việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, huyện Yên Dũng phấn đấu, 100% cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản trên 20%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản đạt trên 10%.

Để thực hiện đạt mục tiêu này, UBND huyện Yên Dũng đã đề ra 7 nhiệm vụ và 4 giải pháp. Cụ thể, 7 nhiệm vụ như sau: nâng cao nhận thức số cho người dân, hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 4 giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong chuyển đổi số; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Yên Dũng: Đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số