Mặc dù chưa có chủ trương của UBND tỉnh về tuyển dụng, thế nhưng huyện lại ra thông báo xét tuyển giáo viên, nhân viên và công nhận kết quả xét tuyển viên chức, để rồi dẫn họ đến tình cảnh “đem con bỏ chợ” khiến nhiều người rất bất bình.
Theo đơn phản ánh của 9 giáo viên, nhân viên tại huyện Thanh Chương – Nghệ An, tháng 2/2010, họ được trúng tuyển viên chức ngành kế toán và Mầm non, được phân công về công tác tại các trường trên địa bàn huyện. Tính thời gian làm việc đến nay đã 9 năm, nhưng họ không được nâng lương theo định kỳ; không được hưởng các chế độ khác theo quy định.
Quyết định về việc công nhận kết quả tuyển dụng viên chức do ông Lê Cao Bính ký.
Được biết, năm 2011 huyện Thanh Chương chuyển đổi trường Mầm non từ bán công sang công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Lúc đó kế toán ở các trường Mầm non bán công do UBND xã tuyển dụng, ký hợp đồng. Sau khi chuyển đổi xong thì các kế toán được chuyển sang biên chế.
Thế nhưng, đợi mãi đến năm 2015 vẫn không được hưởng các chế độ, 9 trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được tuyển dụng trên lại làm đơn gửi xuống Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An. Sau khi xem các quyết định, Sở Nội vụ đã gửi công văn về UBND huyện Thanh Chương yêu cầu giải quyết, nhưng huyện vẫn không giải quyết. Sau đó, họ đã nhiều lần gặp phòng Nội vụ và lãnh đạo huyện Thanh Chương nhưng đều nhận được câu trả lời là do tuyển dụng sai quy trình nên không được nâng lương.
Đến năm 2016, huyện có chủ trương học chuyển đổi sang Mầm non cho các giáo viên, nhân viên hợp đồng dôi dư. Lúc này huyện yêu cầu nếu không đi học sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Dù không hề mong muốn vì đã quen với công việc kế toán nhưng vì lời hứa của huyện và muốn được ổn định hơn trong công việc nên họ đã đi học để rồi trở thành những “giáo viên bất đắc dĩ”.
Năm 2012 huyện có tuyển dụng thêm 6 trường hợp mới và được công nhận trúng tuyển đợt xét viên chức ngành nhân viên Mầm non và kế toán
Ngày 8/3/2019, 9 trường hợp trên nhận quyết định được hợp đồng làm giáo viên Mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP. Thế nhưng, họ không đồng tình vì thấy bất công là tại sao bản thân đang là một viên chức lại bị chuyển sang giáo viên hợp đồng 06 với hệ số lương chỉ là 1,86. Vậy là sau hơn 9 năm đi làm, họ lại trở về mức lương khởi điểm ban đầu là 1,86; không được truy lĩnh hệ số lương.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cao Thanh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương cho biết: “Trong năm 2009 có 9 giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện tuyển dụng viên chức và đã có quyết định công nhận kết quả nhưng thời điểm tuyển dụng của UBND huyện chưa được UBND tỉnh Nghệ An cho chủ trương tuyển dụng. Vậy nên 9 trường hợp trên không phải là viên chức, vì chưa có chỉ tiêu nên chỉ cho hợp đồng ở các trường học, huyện bỏ tiền để cân đối và chi trả. Năm 2019 huyện xin chỉ tiêu của tỉnh và đã tuyển vào dạy mầm non (trước đó đã cho đi học Trung cấp Sư phạm Mầm non). Sau khi có bằng chuyên môn và được tỉnh cho chỉ tiêu, huyện xét vào hợp đồng trong các trường Mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP. Sau khi nhận được Quyết định, những trường hợp trên không đồng tình với cách làm này với lý do gần 10 năm cống hiến bây giờ quay lại hợp đồng mới với hệ số lương 1,86".
Quyết định hợp đồng giáo viên Mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, 9 trường hợp này sau khi đã có quyết định công nhận viên chức từ năm 2010 nhưng do tỉnh chưa có chủ trương. Dù biết sai nhưng từ thời điểm đó cho đến nay không có thêm chỉ tiêu, nếu có chủ trương của tỉnh, huyện sẽ rất ưu ái cho 9 trường hợp này.
Khi được hỏi năm 2012 huyện có tuyển dụng thêm 6 trường hợp mới và được công nhận trúng tuyển đợt xét viên chức ngành nhân viên Mầm non và kế toán, tại sao huyện không đưa 9 trường hợp trên vào mà lại tuyển thêm người mới thì ông Thanh cho rằng "khi đó tôi chưa làm Trưởng phòng, tôi sẽ kiểm tra lại".
Vì một lý do huyện xét tuyển viên chức khi chưa có chủ trương của tỉnh đã đẩy 9 trường hợp đã được công nhận viên chức vào tình cảnh “đem con bỏ chợ” như hiện nay khiến nhiều người rất bất bình.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.