Kết luận của đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ, bị cáo Như là người có chức vụ, quyền hạn và là người có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty đã gửi tiền vào tài khoản thanh toán tại VietinBank…
Sáng nay 24/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm đi vào phần tranh luận.
Mở đầu phiên tòa, ông Nguyễn Thế Thành, đại diện Viện kiểm sát Phúc thẩm III VKSNDTC tại Tp. Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu phần kết luận của mình.
Mở đầu phần kết luận, đại diện VKS tóm tắt về hình phạt, trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo kháng cáo, kháng nghị và nội dung đơn kháng cáo cũng như nội dung thay đổi kháng cáo của các bị cáo và các đương sự tại phiên tòa.
Đại diện VKS đã phân tích từng nội dung kháng cáo, cơ sở pháp lý đối với kháng cáo của các bị cáo và đương sự.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo: Võ Anh Tuấn, Đào Thị Tuyết Dung, Trần Thị Tố Quyên, Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Bùi Ngọc Quyên, Đoàn Lê Du, Nguyễn Thị Phúc Ngân, Trần Thanh Thanh, Hoàng Hương Giang, Phạm Thị Tuyết Anh.
Đối với các kháng cáo của các đương sự gồm: Bà Giã Thị Mai Hiên, ông Nguyễn Văn Quý, bà Nguyễn Thị Kim Bình, ông Nguyễn Duy Quang, bà Vũ Thị Kim Thịnh, bà Lê Thị Ngọc Nga, Ngân hàng ACB và 19 nhân viên, Ngân hàng NaviBank và 4 nhân viên, đại diện VKS kết luận là không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo.
Các bị cáo Tống Nguyên Dũng, Huỳnh Trung Chí, Huỳnh Hữu Danh, Phạm Anh Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm đã bổ sung những tài liệu gia đình có công cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần đối với kháng cáo của Nguyễn Thiên Lý về số tiền thu lợi bất chính, hủy một phần bản án sơ thẩm đã tuyên tịch thu tiền thu lợi bất chính của bị cáo Nguyễn Thiên Lý để điều tra lại theo thủ tục chung.
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm
Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của các nguyên đơn dân sự là Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Lộc, Công ty Cổ phần Thương mại và đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank - Berjayan, Công ty Cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu. Đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Huyền Như và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 5 đơn vị này để điều tra lại theo thủ tục chung, xác định đúng tội danh của Huyền Như và tư cách tham gia tố tụng của các đơn vị VietinBank và 5 công ty trên.
Trong khoảng thời gian Như chiếm đoạt của 5 công ty trên là đang giữ chức quyền Trưởng phòng kiêm Kiểm soát viên tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Sau khi phân tích căn cứ pháp lý, đại diện VKS khẳng định bị cáo Như là người có chức vụ, quyền hạn và là người có trách nhiệm quản lý tài sản, có quyền thực hiện và phê duyệt các giao dịch chuyển khoản đến 50 tỷ đồng. Do đó, hành vi chiếm đoạt tài sản của 5 công ty trên có dấu hiệu định tội theo Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội “Tham ô tài sản”.
Đại diện VKS cũng đề nghị sửa phần quyết định về xử lý vật chứng của bản án sơ thẩm đối với số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Nguyễn Thị Lành và Phạm Văn Chí phạm tội “Cho vay lãi nặng”, tuyên buộc bị cáo Lành nộp số tiền thu lợi bất chính để sung công 1.186 tỷ đồng, bị cáo Chí 5,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đại diện VKS còn đề nghị sửa đổi một phần các kiến nghị của bản án sơ thẩm theo hướng kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” xảy ra tại Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh liên quan đến trách nhiệm ký các hợp đồng tiền gửi với 5 công ty trên. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẻ, nguyên Giám đốc Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh để xử lý theo quy định pháp luật.
Đại diện VKS kiến nghị bổ sung về việc kiến nghị Cơ quan điều tra điều tra làm rõ và thu hồi khối tài sản là vật chứng của vụ án, đã bị bị cáo Như chiếm đoạt để trả lại cho các đơn vị, cá nhân bị thiệt hại; kiến nghị Cơ quan điều tra, nếu vụ án này có tội “Tham ô tài sản” thì điều tra làm rõ những sai phạm trong quản lý tài chính, tiền tệ, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của VietinBank. Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân của VietinBank để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, đại diện VKS kiến nghị bổ sung một số vấn đề khác liên quan đến vụ án.
Chiều nay 24/12, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần tranh luận.