Là tuyến đường huyết mạch được UBND tỉnh Nghệ An có quyết định nâng cấp, sửa chữa, nhưng nỗi lo về chất lượng công trình đang thi công khiến người dân bất bình và hoài nghi.
Theo tìm hiểu của PV, đường vào trung tâm xã Nghi Kiều là con đường nối từ tuyến đường N5 đi qua UBND xã, sau đó đi vào xóm 16 xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc – Nghệ An), đây là tuyến đường huyết mạch của nhân dân xã Nghi Kiều nói riêng và các xã lân cận nói chung. Đồng thời còn là tuyến đường kết nối của huyện Nghi Lộc và huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An.
Công nghệ ra nhựa bằng vải vụn?
Nhiều năm qua, con đường đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nên ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế chung của vùng. Để nâng cấp, sửa chữa tuyến đường trên, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giao cho Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư; Ban QLDA đầu tư và xây dựng Sở Giao thông vận tải làm quản lý và giám sát; đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Việt (Công ty An Việt) và Công ty cổ phần Minh Việt Khoa. Tuyến đường có chiều dài hơn 4 km, với tổng số vốn 12 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách.
Đáy mương vừa đổ xong đã bị trôi.
Thép được buộc sơ sài và cẩu thả.
Khoảng cách buộc thép sai và bị rỉ sét.
Công trình có chiều dài dự án khoảng 4,3 km, quy mô mặt đường 5,5 m, rải nhựa. Dựa trên nền đường cũ được nâng cấp và bù vênh, rải nhựa theo tiêu chuẩn. Mương thoát nước làm một số đoạn. Dự án được khởi công vào tháng 10/2019 và dự kiến hoàn thành sau 9 tháng.
Theo ghi nhận tại hiện trường, mặc dù thi công ở tuyến đường có mật độ dân cư đông, người lưu thông nhiều nhưng không hề có biển cảnh báo. Trên công trường đang thi công mặt đường của Công ty An Việt, đơn vị đã dùng vải vụn để đốt, khi ra nhựa đường gây mùi khó chịu và ô nhiễm môi trường. Còn phần thi công mặt đường của công ty Minh Việt Khoa thì sử dụng đất không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất.
Trao đổi với PV, ông Dũng – Kỹ thuật Ban quản lý dự án cho rằng, đất phục vụ công trình được tận dụng tại địa phương để hạn chế kinh phí. Đơn vị thi công chỉ nộp thuế cho Nhà nước là được.
Để biết thêm về việc đơn vị thi công sử dụng đất không rõ nguồn gốc, ông Hoàng Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: ”Địa phương không có mỏ đất được cấp phép và cũng không có điểm đất nào được quy hoạch để phục vụ công trình này”.
Tại thời điểm khác vào cuối tháng 2/2020, PV có mặt tại điểm thi công thuộc xóm 15 xã Nghi Kiều, khi công ty Minh Việt Khoa đang tiến hành làm mương thoát nước. Tại đây, đơn vị đang thi công dang dở, phần thép được buộc để sử dụng cho cấu kiện mương vừa rỉ sét, vừa buộc xiên xẹo, không đúng khoảng cách theo quy định và cẩu thả. Có khoảng 20m mương đã đổ xong đáy mương nhưng không hiểu vì lý do gì mà bị xói đáy, trôi đáy ra từng mảnh.
Lý giải về vấn đề này, ông Dũng cho biết: “Phần thép bị xiên xẹo, không đều là do quá trình di chuyển, còn phần mương bị trôi đáy là do khi đơn vị vừa thi công xong thì trời mưa, phần này sẽ cho làm lại”.
Ông N – một người dân sinh sống tại đây chia sẻ: “Công trình này thi công rất ẩu. Đường vừa xong được khoảng 1 tháng mà hiện nay đã bong mặt. Ngay trước nhà tôi đây, mới 1 trận mưa nhỏ đã như thế này thì không biết sẽ được bao lâu nữa".
Niềm vui về một con đường thông suốt và đẹp đẽ chưa được bao lâu thì giờ đây người dân lại rơi vào tình trạng lo lắng cho “tuổi thọ” của tuyến đường này. Sự lơ là trong việc kiểm soát chất lượng của đơn vị chủ đầu tư có phải đã và đang vô tình tiếp tay cho đơn vị thi công làm giảm chất lượng công trình? Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để con đường có được chất lượng đúng với số tiền đã được đầu tư.