Sau phản ánh của Báo Công lý, UBND huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã có chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hoạt động khai thác đá của Công ty Cổ phần 305 (mỏ đá 305) Hòa Bình.
Thỏa thuận và thống nhất việc bồi thường cho người dân
Trao đổi với phóng viên chiều ngày 23/5, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết: Sau khi Báo Công lý có bài viết phản ánh, lãnh đạo UBND huyện đã có chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các đơn vị chức năng cùng với UBND xã Liên Sơn kiểm tra hiện trường mỏ đá 305.
“Ngày 19/5, UBND xã Liên Sơn đã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện kiểm tra hiện trường đối với hoạt động khai thác đá của Công ty Cổ phần 305 Hòa Bình và gặp gỡ nhân dân bị ảnh hưởng. Phía Công ty và một số hộ dân bị ảnh hưởng đã có thỏa thuận và thống nhất việc bồi thường”, ông Thụ nói và cho biết biên bản kiểm tra đang được hoàn thiện để báo cáo lãnh đạo huyện.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với các đơn vị chức năng để tìm hiểu thông tin về kết quả kiểm tra, tuy nhiên vẫn chưa nhận được thông tin hồi âm.
Trước đó, ngày 16/5, Báo Công lý đăng tải bài viết “Lương Sơn, Hoà Bình: Nguy hiểm rình rập dưới chân mỏ đá 305” phản ánh những nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh hoạt động khai thác đá của Công ty Cổ phần 305 Hòa Bình có địa chỉ tại xã Liên Sơn.
Theo phản ánh của người dân, mỏ đá 305 hoạt động nhiều năm qua, mỗi khi nổ mìn phá đá gây ra những dư chấn lớn khiến nhà cửa rung lắc, môi trường bị ô nhiễm, cây cối hoa màu ảnh hưởng đã và đang đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân sống xung quanh.
Trước thực trạng này, hàng chục hộ dân đã có đơn kiến nghị UBND xã Liên Sơn cùng các cơ quan liên quan về hoạt động khai thác đá của Công ty cổ phần 305 Hòa Bình.
Tại biên bản làm việc ngày 28/3/2023 giữa UBND xã Liên Sơn với đại diện các hộ gia đình bị ảnh hưởng, 21 hộ gia đình có đơn kiến nghị, phản ánh: “Hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh của Công ty 305 đã gây ra chấn động lớn, hư hỏng công trình dân dụng, gây ô nhiễm, khói bụi tạo ra tiếng ồn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống hàng ngày của người dân. Đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, Công ty 305 có phương án khắc phục,…”.
Qua buổi làm việc, Tổ công tác của UBND xã Liên Sơn đề nghị Công ty 305 sớm hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hệ thống bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất sự cố ảnh hưởng môi trường, có biện pháp kịp thời khắc phục sự cố xảy ra, có phương án hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ đối với người dân gần kề. Tổ công tác cũng đề nghị người dân thường xuyên giám sát việc chấp hành bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, kịp thời phản ánh, kiến nghị khi có ảnh hưởng xấu nghiêm trọng xảy ra.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Công ty 305 có ý kiến giải trình: Công ty đã có xe rửa đường từ khu vực cổng công ty đến văn phòng Công ty Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ tại thôn Lộc Môn; các biện pháp phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, tuy nhiên quá trình vận hành còn gặp sự cố, đơn vị sẽ khắc phục.
Tạm dừng hoạt động hàng chục mỏ đá
Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có hơn 60 mỏ đá hoạt động khai thác. Liên quan đến việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động khai thác khoảng sản, ngày 7/4, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 481/UBND/KTN gửi các Sở, ban, ngành về việc tạm dừng hoạt động hơn 10 đơn vị khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.
Nội dung văn bản nêu rõ, xét báo cáo và đề xuất của Tổ công tác liên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình… Để thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ hồ sơ theo quy định trong quá trình khai thác khoáng sản đối với các đơn vị chưa trình thẩm định thiết kế khai thác mỏ điều chỉnh.
Theo đó, từ ngày 10/4/2023, tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đối với hơn 10 đơn vị đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản mà trong quá trình hoạt động khai thác chưa có thiết kế mỏ điều chỉnh được thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Nội dung văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, giám sát việc dừng hoạt động khai thác khoáng sản đá làm vật liệu thông thường đối với các đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động, khai thác theo thiết kế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn quản lý.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.