Một nhà đấu giá ở Anh đã rút một hộp sọ người thế kỷ 19 ra khỏi danh sách đấu giá sau khi nổ ra tranh cãi và bị chỉ trích đó là hành vi “phi nhân tính”.
Hộp sọ được đưa ra đấu giá là của người Naga ở Ấn Độ. Đây là một phần của bộ sưu tập hộp sọ và đầu người bị teo nhỏ từ khắp nơi trên thế giới, dự kiến sẽ được đưa ra đấu giá tại nhà đấu giá The Swan ở Oxfordshire, Anh vào hôm thứ Tư.
Ngoài chiếc sọ này, các di hài khác được liệt kê đến từ châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, với tổng giá trị dự kiến lên tới 180.000 đô la Mỹ. Chiếc sọ Naga, được gắn với sừng động vật, đã được đưa ra với giá khởi điểm là 2.100 bảng Anh (2.746 đô la Mỹ).
Cuộc đấu giá đã bị hủy bỏ khi các nhà hoạt động từ Ấn Độ lên án nó trong một bức thư ngỏ, cho rằng việc đấu giá này là một "hành động phi đạo đức" và là sự "tiếp nối bạo lực thực dân".
“Thông tin về cuộc đấu giá các di hài của người Naga ở Vương quốc Anh đã được tiếp nhận một cách tiêu cực từ mọi tầng lớp, vì đây là một vấn đề vô cùng nhạy cảm và thiêng liêng đối với dân tộc chúng tôi,” ông Neiphiu Rio, Thủ hiến bang Nagaland của Ấn Độ, cho biết.
“Theo truyền thống, dân tộc chúng tôi luôn dành sự tôn trọng và vinh danh cao nhất đối với di hài của những người đã khuất”.
Dolly Kikon, một nhà nhân chủng học người Naga và giáo sư tại Đại học California Santa Cruz, cho biết việc bán đấu giá bất kỳ món đồ nào như vậy là không thể chấp nhận được.
“Nếu chúng ta có luật để ngăn chặn buôn bán động vật và chim chóc, thì tại sao các chính phủ lại không ngăn chặn việc đấu giá di hài của người bản địa bị cướp đi từ dân tộc của họ? Người Naga tin rằng (những người đấu giá) sẽ làm điều đúng đắn và trả lại di hài tổ tiên của chúng tôi,” Dolly Kikon nói.
Wati Aier, một linh mục Baptist và lãnh đạo của nhóm hòa giải Forum for Naga Reconciliation, đã kêu gọi Vương quốc Anh trả lại tất cả các chiếc sọ về vùng đất tổ tiên của họ.
“Trong suốt thời kỳ cai trị của người Anh, người Naga đã bị gán cho những từ như 'man rợ' và 'thợ săn đầu người', những hình tượng xúc phạm vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay,” ông nói.
Giáo sư Laura Van Broekhoven, Giám đốc Bảo tàng Pitt Rivers ở Oxford, nơi sở hữu bộ sưu tập lớn nhất thế giới về người Naga, cho biết việc bán những vật phẩm như vậy là "hoàn toàn phi đạo đức".
Giáo sư Van Broekhoven cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi nhẹ nhõm khi biết rằng nhà đấu giá đã loại bỏ toàn bộ hài cốt khỏi cuộc đấu giá hôm nay và hy vọng rằng những bình luận và chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng trên khắp thế giới đã chứng minh rằng việc bán hài cốt là xúc phạm và không thể chấp nhận được".
"Là một tổ chức quản lý nhiều hài cốt con người, chúng tôi nhận thức được sự tổn thương và đau đớn mà việc di dời hài cốt con người gây ra cho các cộng đồng trên toàn cầu, và việc chứng kiến hài cốt con người bị đem ra đấu giá là vô cùng đau đớn và thiếu tôn trọng đối với người bản địa, những người cho rằng tổ tiên của họ nên được trở về nhà để an nghỉ”, bà Van Broekhoven nói thêm.
Được biết, các chiếc sọ khác được liệt kê trong cuộc đấu giá của Swan Fine Art đến từ Papua New Guinea, Borneo và Quần đảo Solomon. Các vật phẩm từ châu Phi có nguồn gốc từ Benin, Congo-Brazzaville, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria. Hai chiếc sọ từ Congo được xếp chồng lên nhau, mà các nhà đấu giá cho biết là “được cho là của mẹ và con trai”.