Hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa

Trần Quang Huy| 28/12/2017 10:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong thời gian qua, TANDTC nhận được ý kiến phản ánh của một số TAND về vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để xử lý đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa.

Để áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 22/12/2017, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ban hành Công văn số 340/TANDTC-PC về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa gửi các đơn vị thuộc TANDTC và TAND, TAQS các cấp. Theo đó, TANDTC  hướng dẫn việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa như sau:

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo thì: (khoản 3)- Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ; (khoản 4)- Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.

Hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển,  buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa

Cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng buôn bán pháo

Tại điểm a mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: “Pháo nổ” (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ”.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ có quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”, không có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa. Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc...).  Việc xử lý đối với trường hợp này được thực hiện như hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28/4/2017 của TANDTC về xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa. Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì không xác định là hàng cấm và không xử lý về tội “tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 1999.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Chánh án TAND và TAQS các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC cần triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 340/TANDTC-PC về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa để bảo đảm việc xét xử được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, đồng thời phải bảo đảm không để xảy ra oan, sai trong xét xử; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa