Đã chục ngày nay, bà con xã Lương Bằng (Kim Động - Hưng Yên) vô cùng bức xúc vì hàng chục ha lúa cứ cấy xong là bị chết trắng, dù đã cấy đi cấy lại nhiều lần vẫn không xong. Thủ phạm gây nên tình trạng này đang được nghi ngờ là do nước thải của các nhà máy ở khu vực xung quanh.
Ruộng bỏ hoang, ao hồ không thể nuôi cá do nước thải từ KCN tràn vào.
Bà con thôn Bằng Ngang cho biết, vụ này có tới hàng chục hộ đứng trước nguy cơ phải bỏ ruộng hoang. Trên cánh đồng của thôn Bằng Ngang có 25 ha lúa mới cấy của 75 hộ dân đang bị bức tử bởi những dòng nước đen đặc thải ra từ các nhà máy. Nước chảy đến đâu lúa chết héo ở đó. Hiện tại có khoảng 10 ha bị ảnh hưởng nặng. Điển hình là ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh và hơn 10 hộ dân có ruộng liền kề đang lâm vào cảnh dở khóc dở mếu bởi lúa mới cấy vừa kịp bén rễ đã héo rũ, bạc trắng. Bà con bấm bụng cấy dặm đến lần thứ 3 mà lúa vẫn chết héo, nay phát chán không muốn làm nữa. Có hơn 1 ha của gần chục hộ cấy đi cấy lại nhiều lần vẫn không xong, đành bất lực bỏ ruộng đấy và ngậm ngùi tiếc nuối trước cảnh phải bỏ hoang một vụ thóc vàng.
Nằm kề với cánh đồng thôn Bằng Ngang là khu công nghiệp gồm các nhà máy đang hoạt động như: Nhà máy chiết xuất dầu thuộc Tập đoàn Quang Minh, Công ty TNHH Tae Yang Hà Nội, Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, Công ty CP Thuận Đức... Dạo quanh cánh đồng Bằng Ngang, bà con không khỏi lo lắng khi thấy những dòng nước đen đặc, bốc mùi khó chịu của các nhà máy cứ tự do thải ra, chảy xuống đồng ruộng. Nhiều người bức xúc đã lấp các cống xả nước thải của các nhà máy lại làm cho nước tràn ngập cả đường đi dài tới hàng cây số. Dân thôn Bằng Ngang cho rằng các nhà máy này xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước trên đồng ruộng nên lúa mới chết trắng như vậy. Theo bà con Kim Động, năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện nhà máy chiết xuất dầu thuộc Tập đoàn Quang Minh xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nặng; công ty này đã bị phạt hơn 200 triệu đồng.
Trong khi bà con đang bức xúc, nghi ngờ nguồn nước thải các nhà máy huỷ hoại đồng lúa, yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án giải quyết thì doanh nghiệp này lại đổ cho doanh nghịêp kia, không đơn vị nào chịu nhận. Trong khi đó, chưa cơ quan chức năng nào kiểm tra làm rõ nguyên nhân từ đâu, nguồn nước thải của các nhà máy nào gây ô nhiễm ở mức độ nào để đưa ra kết luận. Không riêng ở Kim Động, trên đồng ruộng các huyện gần khu công nghiệp như Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ... tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy xả thải diễn ra phổ biến, gây nên cảnh tượng những cánh đồng liền kề không thể cấy trồng được. Bà con nông dân kiến nghị nhiều năm nhưng mọi việc không chuyển biến, đành chịu thiệt thòi, thất bát mùa riêng vì phải bỏ ruộng hoang.
Mai Ngoan