Ngày 20/6 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với Ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023). Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thí sinh. Thí sinh đăng ký trực tuyến: 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.
Các thí sinh dự thi tại 2.323 Điểm thi, tăng 51 Điểm thi so với Kỳ thi năm 2023; tổng số phòng thi là 45.149.
Có tổng số 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh; trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP. HCM có 13.076 thí sinh.
Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thông tin một số nội dung triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi đến thời điểm này, ông Huỳnh Văn Chương cho biết về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi, đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 công bố ngày 22/3/2024; đã rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi.
Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.
Về phần mềm chấm thi trắc nghiệm và Hệ thống quản lý thi, Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng các hệ thống, phần mềm này và thống nhất sử dụng trên toàn quốc trong nhiều năm. Kỳ năm 2024, phần mềm chấm thi trắc nghiệm được giữ ổn định như năm 2023; hệ thống quản lý thi về cơ bản được giữ ổn định như năm 2023 tuy nhiên được điều chỉnh/bổ sung một số biểu mẫu báo cáo theo đề nghị của các sở GD-ĐT để bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng.
Tháng 4/2024, các phần mềm này đã được tổ chức kiểm tra rà soát, đánh giá về an ninh, an toàn trước khi triển khai và đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, phần mềm chỉ được sử dụng ở Hội đồng ra đề thi và cũng được giữ ổn định như năm 2023. Tháng 4/2024, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an để tổ chức kiểm tra đánh giá, rà soát an ninh, an toàn phần mềm này trước khi triển khai và đưa vào sử dụng tại Hội đồng ra đề thi kỳ thi năm 2024 .
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi của địa phương. Bộ cũng thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của bộ tại 63 sở GD-ĐT và Hội đồng thi, huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các cơ sở giáo dục đại học tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi; thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GD-ĐT với tổng số 264 cán bộ chính thức tham gia đoàn kiểm tra.
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị thi, Bộ GD-ĐT nhận thấy, Sở GD-ĐT đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với các đối tượng liên quan tổ chức kỳ thi (ví dụ như cấp điện, phòng cháy chữa cháy…) và chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị, do còn thời gian chuẩn bị đến ngày thi. Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài.
Một số khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương, như điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn gặp khó khăn hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi.
Về công tác đăng ký dự thi, trong quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ của thí sinh, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác. Diễn biến thời tiết khí hậu ở các vùng miền dự báo còn biến động nhất là các địa phương vào thời điểm mùa mưa hay có địa phương lại vào thời điểm nắng nóng mùa hè.
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi.
Ban chỉ đạo cấp quốc gia trực đường dây nóng đã công bố đến 63 tỉnh, thành phố, kết nối thường xuyên với Ban chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Cùng với đó, triển khai 10 đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của 20 sở GD-ĐT, báo cáo kịp thời kết quả và đề xuất với Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia.
Trên cơ sở kết quả làm việc của các đoàn Ban chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kết quả kiểm tra của 10 đoàn kiểm tra của bộ, Ban chỉ đạo cấp quốc gia sẽ có văn bản gửi các địa phương trước ngày 25/6 (nếu cần thiết). Bộ cũng sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các khâu tiếp theo của kỳ thi theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi lần cuối trước khi vào kỳ thi (địa điểm tổ chức thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chấm thi). Công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các địa phương tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, quy định pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản và các phương án dự phòng cho từng khâu trong quá trình triển khai tổ chức kỳ thi.
Thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào 8h ngày 17/7. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.