Sắp bước vào năm học mới, bên cạnh nỗi lo trường lớp, thầy cô, sách giáo khoa thì việc lựa chọn sách tham khảo đang là vấn đề được các bậc phụ huynh và các em học sinh quan tâm.
Sách tham khảo đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung, nâng cao kiến thức, trau dồi phương pháp, rèn luyện kỹ năng cho học sinh cũng như đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó nó còn giúp cho các bậc phụ huynh dễ dàng hướng dẫn, kèm cặp con em mình trong quá trình học tập.
Hiểu được nhu cầu này, các Nhà xuất bản (NXB) đã không ngừng đưa ra nhiều đầu sách, chủng loại... tuy nhiên, đầu sách bày la liệt, tựa đề thu hút, mẫu mã bắt mắt, nhưng nội dung lại sao chép, vay mượn lẫn nhau với giá cả trên trời đã khiến không ít các bậc phụ huynh, học sinh phải hoang mang, lo lắng.
Sách tham khảo được bày la liệt trên kệ sách
Dạo quanh một vòng các nhà sách lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội như: Cầu Giấy, Xuân Thuỷ, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học…điều dễ nhận thấy là số lượng sách tham khảo gấp nhiều lần so với sách giáo khoa. Số lượng sách tham khảo tăng dần theo bậc học, từ mầm non đã có hàng chục đầu sách, đến bậc tiểu học, THCS, THPT.
Ngoài một số NXB quen thuộc, vài năm trở lại đây còn có sự góp mặt của rất nhiều NXB khác càng làm cho thị trường sách tham khảo trở nên hỗn loạn, đặc biệt, đối với HS lớp 12 thì số đầu sách tham khảo rất nhiều.
Tại một nhà sách trên đường Giảng Võ riêng môn Ngữ văn lớp 12, đã có tới 102 đầu sách, những môn khác như :Toán, Vật lý, Lịch sử… số lượng đầu sách tham khảo cũng vô cùng phong phú và đa dạng.
Với tâm lý mong muốn con mình có nhiều điều kiện để mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa, chị Vũ Thị Thúy (Trung Kính, Hà Nội) tâm sự: “Tôi chọn sách tham khảo cho con học lớp 6, loay hoay cả buổi mà vẫn chưa chọn được sách phù hợp. Bây giờ sách tham khảo có nhiều loại, đã thế lại nhiều NXB, mỗi NXB lại có nhiều cuốn của nhiều tác giả khác nhau. Giá thành so với sách giáo khoa cũng không phải rẻ, có quyển còn đắt gấp đôi. Tôi đành chọn ngẫu nhiên một vài cuốn chứ cũng không biết phải làm thế nào”.
Phụ huynh hoang mang trước hàng trăm cuốn sách tham khảo được bày bán
Bên cạnh đó, giá bán sách tham khảo, nâng cao... cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Trong khi hầu hết sách giáo khoa chính khóa đều có giá trên dưới 10.000 đồng/cuốn thì các sách tham khảo, nâng cao... đều đắt hơn từ gấp đôi, gấp ba đến gấp khoảng 10 lần. Ví dụ: SGK Ngữ văn lớp 12 (tập 1) có giá 10.600 đồng/cuốn, nhưng "Cẩm nang ôn luyện thi Đại học, Cao đẳng môn Ngữ Văn” (NXB Đại học Sư phạm) lên đến 70.000 đồng, hay SGK môn Lịch sử lớp 12 có giá 12.800 đồng/cuốn trong khi cuốn: “Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn Lịch sử lớp 12” của NXB Giáo Dục lại lên đến 150.000 đồng/cuốn.
Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên một nhà sách cho biết : “Sắp vào năm học mới, nên phụ huynh cũng như các em học sinh đến tìm mua sách rất đông. Họ chủ yếu là mua sách tham khảo, hàng ngày lượng sách bán ra phải đến hàng trăm cuốn. Có người còn mua đến 20 cuốn sách cho con là điều bình thường”.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những cuốn sách tham khảo rất có giá trị, đáng được trân trọng vì đó là tâm huyết và kinh nghiệm quý báu của những nhà sư phạm qua nhiều năm đúc kết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những quyển sách chỉ là sự lắp ghép, vay mượn giữa những đầu sách này với đầu sách khác, mang nặng tính lợi nhuận, làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của đội ngũ biên soạn sách.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2014/TT- BGD&ĐT, quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng các quy trình chi tiết về lựa chọn, mua sắm, quản lý, sử dụng xuất bản ấn phẩm tham khảo lưu hành trong cơ sở giáo dục, thông báo cho cán bộ, giáo viên, học viên về danh mục, xuất bản ấn phẩm tham khảo đã được chọn lựa, sử dụng hàng năm.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có sự tham khảo ý kiến từ phía giáo viên, đồng thời, với kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình giảng dạy của mình, các giáo viên chuyên môn cũng nên hướng dẫn cho phụ huynh và học sinh chọn mua sách tham khảo phù hợp, sát chương trình.