Sáng nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh trên mọi miền tổ quốc hân hoan chào đón khai giảng năm học mới 2024-2025.
Tại Thủ đô Hà Nội, đường phố nhộn nhịp từ hơn 6h khi gần 2,3 triệu học sinh các cấp đi khai giảng. Thủ đô Hà Nội là nơi có số học sinh và trường, lớp nhiều nhất cả nước.
Thời tiết hôm nay nắng nóng, dao động từ 29 - 32 độ từ sáng sớm. Hầu hết trường học ở thủ đô tập trung học sinh vào lúc 6h30-6h45, khoảng 7h30-8h, thầy và trò bước vào tiết học đầu tiên.
Tại Hà Tĩnh, Sáng nay (5/9), hơn 374.000 cán bộ, giáo viên, học sinh ở 668 trường học trên địa bàn Hà Tĩnh bước vào ngày khai giảng năm học mới.
Theo chỉ đạo, lễ khai giảng ở Hà Tĩnh được tổ chức đảm bảo khoa học, trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm học 2024-2025 là năm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, nhiệm vụ mà ngành GD&ĐT Hà Tĩnh trong năm học này là triển khai và hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; có các giải pháp mạnh mẽ ứng dụng đổi mới phương pháp vào dạy học...
Để tạo điều kiện cho các nhà trường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, trước đó, các địa phương đã huy động nguồn lực hàng trăm tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy, học đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ở Cao Bằng, 117 học sinh và giáo viên Tiểu học Quang Vinh, xóm Lũng Nặm, huyện Trùng Khánh, chào năm học mới trong thời tiết nắng ráo.
Hơn một tuần trước, nơi đây bị ngập sâu đến 3 m sau đợt mưa lớn, khiến gần 1,5 tấn gạo ăn bán trú, cùng bàn ghế và nhiều đồ dùng bị nhấn chìm. Hình ảnh thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Việt bơi vào trường kiểm tra các phòng học gây xúc động.
Thầy Việt cho biết những ngày qua, giáo viên và người dân tích cực dọn vệ sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhiều mạnh thường quân đã liên hệ, hỗ trợ 1,8 tấn gạo, hơn 80 bộ bàn ghế mới, cùng đệm ngủ, đồ dùng bán trú và quần áo cho học sinh.
"Nhà trường cơ bản đã đủ các đồ dùng phục vụ công tác dạy và học", ông nói.
Trường này nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Trùng Khánh. Trong 116 học sinh, chủ yếu là người dân tộc H'Mông và Nùng, khoảng 90% được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Theo thầy Việt, nhiều phụ huynh không có tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con. Trường đang tìm các nguồn để hỗ trợ.
Tại Đà Nẵng, Sáng 5/9, cùng chung niềm vui tựu trường của hàng triệu học sinh trên cả nước, tại điểm Trường Tiểu học Hòa Bắc, thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã tổ chức buổi lễ khai giảng mừng năm học mới và chào đón các em học sinh Cơ Tu vào lớp 1.
Năm nay có 61 em học sinh lần đầu tiên theo học tại điểm trường tiểu học Hoà Bắc, trong đó nhiều em là đồng bào Cơ Tu sẽ chính thức khởi đầu hành trình học tập và khám phá tri thức của mình.
Tại Sơn La, sau trận lũ tháng 7, trường học ở xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn) bị thiệt hại nặng nề; hàng nghìn khối bùn ập vào trường, nhiều thiết bị giáo dục của nhà trường bị hư hỏng.
Ông Hà Minh Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi, cho biết với những nỗ lực khắc phục của nhà trường và địa phương, trường cơ bản dọn dẹp xong chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Tại Lai Châu, 25 học sinh người Mông và 2 cô giáo tại điểm trường Mầm non Đán Tọ (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) sẵn sàng bước vào năm học mới. Năm học này, lớp học đã được xây dựng mới kiên cố, khang trang với đầy đủ thiết bị dạy học.
Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trước đây, phòng học sử dụng các vật liệu lắp ghép, mùa mưa dột nước, mùa hè oi bức. Do điều kiện nguồn lực của địa phương có hạn nên cô và trò đều phải khắc phục vượt nắng, thắng mưa.
Ước mơ về một phòng học mới để các cháu bớt “khổ” đã trở thành hiện thực vào đúng năm học mới. Sau 5 tháng thi công, lớp học mới rộng hơn 70m2, có khu vực sân chơi rực rỡ sắc hoa sẵn sàng đón cô trò tới lớp.