Ngày hôm nay (5/9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2016-2017. Năm học của rất nhiều sự đổi mới và kỳ vọng.
Đây có lẽ là năm học đầu tiên các trường học trên cả nước cùng tổ chức Lễ khai giảng trong cùng thời gian, cùng ngày và cùng nghi thức.
Để thống nhất tổ chức Lễ khai giảng năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đề nghị Sở Giáo dục các tỉnh thành chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới vào 7h30 ngày 5/9.
Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn nhưng trang nghiêm với đầy đủ nghi thức: chào cờ, tự hát Quốc ca, không dùng băng lời bài hát, đọc thư của Chủ tịch nước. Phần hội sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng với học sinh, nhất là những em lần đầu đến trường.
Sau ngày khai giảng, ngành giáo dục yêu cầu nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học ngay, đảm bảo chương trình và kế hoạch năm học đề ra.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục Mầm non là 4,87 triệu học sinh; Giáo dục phổ thông là 15,7 triệu học sinh; Giáo dục TCCN là 315 nghìn sinh viên; giáo dục đại học, cao đẳng là 2,15 triệu sinh viên. Cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên, giảng viên.
Trong buổi họp báo khai giảng năm học mới 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 4/9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017 của ngành giáo dục tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước hôm nay sẽ chính thức bước vào năm học mới
Đối với Thông tư 30, trên tinh thần những nội dung của Thông tư được áp dụng trước đó, trong năm học này, Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, sửa đổi cho phù hợp, sát với thực tế hơn, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ càng về con người và cơ sở vật chất, cũng như có thực hiện thí điểm để đánh giá hiệu quả.
Trước vấn đề nóng là dạy thêm - học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng. “Cấm dạy thêm phải hiểu là cấm dạy thêm tràn lan hay những hành vi trái quy định như đưa nội dung chính khóa vào giờ dạy thêm” - ông giải thích.
Và để việc dạy thêm, học thêm không bị tràn lan, biến tướng, Bộ sẽ tiến hành chỉnh sửa nội dung, chương trình của sách giáo khoa, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa mới, trả lời câu hỏi về tiến độ hoàn thành “chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét công việc này thận trọng, với tinh thần “chậm mà chắc”.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sau Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông năm 2014, cách làm chương trình và SGK của ngành giáo dục đã có những điểm khác biệt so với trước đây. Nếu trước đây chỉ có một nhóm chuyên gia tập trung làm SGK thì việc đổi mới chương trình và SGK hiện nay yêu cầu kết hợp cả đổi mới sư phạm. Việc làm SGK cũng phải công khai, minh bạch, huy động nhiều nguồn lực, chất xám trong xã hội.
Về vấn đề quan trọng nhất là phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ đã có một tổ công tác rà soát rất kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Về cơ bản, chủ trương vẫn là tiếp tục thực hiện theo phương án của năm 2016 nhưng khắc phục những nhược điểm còn tồn tại. Ví dụ về cụm thi, năm ngoái tổ chức hai cụm thi (cụm địa phương và cụm thi đại học); nhưng xét thấy việc để địa phương tổ chức thi là hợp lý nên năm nay chỉ còn một cụm thi.
Về đề thi, năm ngoái trong bài thi tự luận ý kiến có lo lắng thí sinh có thể nhìn bài nhau, rồi khi chấm theo barem có sự chênh lệch trong điểm số nên đề thi năm nay sẽ được đổi mới. Cụ thể, sẽ có các bài thi trắc nghiệm tổng hợp với môn toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, ngoại ngữ…, chắc chắn sẽ khắc phục được tính phiến diện, “học tủ”. Việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các trường bao quát và gọn nhẹ hơn trong quá trình tổ chức thi.
Trả lời những câu hỏi về việc đầu năm học mới, Bộ GD - ĐT liên tục đưa ra những đổi mới, sửa đổi có thể ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, qua nhiều năm đổi mới, chất lượng giáo dục đi lên, nhưng so với yêu cầu đổi mới là chưa đạt. Đổi mới là quá trình liên tục, cần tính đến tính khả thi, lâu dài.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Ngành giáo dục cần tăng cường kỷ cương, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trong thư gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới 2016-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân; chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đối với các đối tượng chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Chủ tịch nước mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đạt nhiều kết quả trong học tập, nghiên cứu khoa học, để sau này tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. |