Chính trị

Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 30/11/2024 06:01

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng nay (30/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Luật này do Toà án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Luật Tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

tpnctn.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Luật Tư pháp người chưa thành niên ngày 22/10.

Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đáng chú ý, Luật quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Xin lỗi người bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; Lao động công ích; Cấm tiếp xúc; Cấm đến một địa điểm nhất định; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

tpnctn.jpeg
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận Luật Tư pháp người chưa thành niên ngày 22/10.

Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự; Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên không chỉ là thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cải cách tư pháp ở Việt Nam, mà còn là dấu ấn xây dựng luật pháp của Quốc hội Khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên