Dù là những mặt hàng quen thuộc như dưa hành, đào, quất, nhưng chợ quê ngày Tết vẫn mang nét đặc trưng riêng...
Chợ quê không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn gợi lên những giá trị văn hóa, tình cảm quê hương thấm sâu trong tâm hồn mỗi người con đất Việt.
Ghé thăm những phiên chợ quê những ngày giáp Tết ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An), ta sẽ cảm nhận được sự gần gũi, mộc mạc và ấm áp của không gian Tết xưa vẫn còn lưu giữ.
Trong văn hóa truyền thống, Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, sum họp, mà còn là dịp để nhắc nhớ con cháu về cội nguồn, về những giá trị tốt đẹp được lưu truyền qua bao thế hệ.
Với nhiều người, Tết là lúc để trẻ con háo hức mong bộ quần áo mới, để người lớn tất bật dọn dẹp, mua sắm, chuẩn bị mâm cỗ dâng lên tổ tiên. Đó là hương vị của tình thân, là điều thiêng liêng không gì đánh đổi được.
Ngày nay, khi công nghệ phát triển, việc mua sắm trở nên tiện lợi hơn với hình thức mua hàng trực tuyến. Chỉ cần vài thao tác, mọi thứ có thể được giao tận nhà, từ mâm cỗ đến đồ trang trí. Thế nhưng, những phiên chợ quê ngày Tết vẫn có sức hút riêng, nơi người ta không chỉ mua sắm, mà còn tìm lại những ký ức xưa cũ, cái tình làng nghĩa xóm đong đầy.
Những ngày giáp Tết, chợ quê ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Khắp chợ là những hình ảnh thân quen: cụ già gánh hàng với nải chuối, bó rau, củ khoai; trẻ nhỏ háo hức theo chân mẹ chọn quần áo mới; những gian hàng bày biện dưa hành, câu đối đỏ, lá dong, cành đào, cây quất… tạo nên một bức tranh Tết vừa sống động, vừa ấm áp.
Anh Nguyễn Hồng Kiện (quê ở xã Hội Sơn, Anh Sơn), hiện sinh sống tại Buôn Ma Thuột, chia sẻ: “Lâu lâu mới có dịp về quê đón Tết, được cùng mẹ đi chợ mua sắm đồ cúng thấy ý nghĩa lắm. Không khí chợ quê vẫn nhộn nhịp, vui tươi, bà con ai cũng chân chất, thân thiện”...
Nếu như ngày thường, chợ chỉ họp vào buổi sáng, thì dịp Tết, phiên chợ kéo dài cả ngày để phục vụ nhu cầu mua bán. Tại chợ Gay (xã Lĩnh Sơn), từ sáng sớm, người mua, kẻ bán đã tấp nập. Ai cũng muốn chọn được những món hàng tươi ngon nhất cho ngày Tết.
Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, chợ quê còn là không gian kết nối ký ức, nơi những người xa quê tìm lại những hình ảnh thân thuộc của tuổi thơ.
Bà Nguyễn Thị Vinh, một người chuyên thu mua lá dong tại chợ Gay, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là tôi lại tất bật với lá dong. Bà con mua nhiều vì ai cũng muốn tự tay gói bánh chưng, quây quần bên nhau, cùng nhau thức thâu đêm bên bếp lửa hồng. Nhờ vậy mà không khí Tết thêm phần ấm áp”.
Dù giá cả có tăng, chợ quê vẫn đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân. Từ những sản vật vườn nhà như gạo nếp, đậu xanh, lá dong, thịt mỡ, dưa hành… đến cành đào, quất cảnh, buồng cau, nải chuối – tất cả tạo nên một phiên chợ Tết rực rỡ sắc màu.
Chị Đặng Thị Hồng, một tiểu thương lâu năm ở chợ Dừa (xã Tường Sơn), chia sẻ: “Ngày thường chợ chỉ lác đác vài gánh hàng, nhưng chợ Tết thì đông vui, nhộn nhịp lắm. Ở đây, ai có gì mang bán nấy, chẳng ai tranh giành, người sau nối tiếp người trước thành từng dãy dài. Chợ quê không chỉ là nơi mua bán, mà còn là nơi để bà con trò chuyện, chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện vui buồn cả năm".
Tết đến, ai cũng mong muốn được đoàn tụ bên gia đình, tận hưởng những khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới trong niềm vui sum họp. Và những phiên chợ quê ngày Tết sẽ kết thúc vào trưa 30 tháng Chạp, khép lại một năm cũ với bao lo toan, giữ lại trong lòng mỗi người những dư âm ngọt ngào của Tết quê – mộc mạc mà đậm đà hương sắc.