Hội thảo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự

Trần Minh Giang| 22/08/2018 19:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 22 - 23/8, tại tỉnh Thái Nguyên, Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC, TAND tỉnh Bắc Ninh và Dự án JICA đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa TANDTC và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tham dự hội thảo có bà Kamada Sakiko, Chuyên gia dài hạn của JICA; ông Edagavva Mitsushi, Luật sư, Chuyên gia pháp lý của Nhật Bản; đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC; lãnh đạo và Thẩm phán TAND tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lào Cai…

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, thành viên Hội đồng khoa học TANDTC nêu rõ, tranh tụng trong TTHS là một khái niệm quen thuộc và là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS, được áp dụng phổ biến ở các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh, Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng ở nước ta, đây là một vấn đề còn mới, ít được đề cập trong khoa học pháp lý.

Tại Việt Nam, vấn đề tranh tụng được đề cập chính thức trong nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” xác định việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, Tòa án ban hành những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đề ra yêu cầu nâng cao chẩt lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan xét xử, Tòa án các cấp đã từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa nói chung và phiên tòa xét xử vụ án hình sự nói riêng. Tuy nhiên, về khái niệm và bản chất của tranh tụng được hiểu như thế nào thì các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, những người tiến hành tố tụng và các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Chính vì vậy, hội thảo quốc tế là cơ hội để các đại biểu cùng làm rõ nội hàm của tranh tụng cũng như bản chất của tranh tụng trong mô hình tố tụng hiện nay của Việt Nam.

Hội thảo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và có chung quan điểm về tranh tụng. Theo đó, tranh tụng là tranh luận trong tố tụng; trong tố tụng bao giờ cũng có sự tham gia của các bên có quyền hoặc lợi ích trái ngược nhau yêu cầu Tòa án phân xử. Để có cơ sở cho Tòa án phân xử, pháp luật quy định các bên tham gia tố tụng phải chứng minh và tranh luận để bảo vệ yêu cầu của mình. Thuật ngữ “tranh tụng” chỉ mới được đề cập trong các văn bản của Đảng và trong các tài liệu hội thảo nên hiện còn nhiều cách hiểu, nhận thức về “tranh tụng”. Chỉ đến khi Bộ luật TTHS năm 2015 được ban hành thì tranh tụng mới được coi là nguyên tắc cơ bản trong TTHS (Điều 26). Tranh tụng trong TTHS là sự tranh luận giữa các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) dựa trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, làm cơ sở cho Hội đồng xét xử ra phán quyết để quyết định một người là có tội, đồng thời quyết định hình phạt tương ứng với tội đó, hoặc quyết định một người không phạm tội để trả tự do và khôi phục lại các quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tham gia vào quá trình tranh tụng sẽ có nhiều chủ thể khác nhau; do vị trí, vai trò khác nhau nên mỗi chủ thể tham gia thực hiện một chức năng hoặc một phần chức năng tố tụng. Tranh tụng tại phiên tòa thông thường sẽ bao gồm các chủ thể là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa (bên buộc tội) và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa bao gồm người bào chữa, bị cáo, người bị hại... (bên gỡ tội).

Vậy tranh tụng bắt đầu từ giai đoạn nào của một vụ án hình sự là vấn đề được các đại biểu thảo luận khá sôi nổi và có nhiều quan điểm khác nhau. Ông Nguyễn Thế Lệ, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn và một số đại biểu cho rằng tranh tụng phải bắt đầu từ quá trình điều tra, truy tố cho đến khi kết thúc vụ án bằng phiên tòa xét xử. Quan điểm của Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh và nhiều đại biểu thì thực chất của việc tranh tụng chỉ thực sự có ở phiên tòa xét xử. Bởi lẽ, phiên tòa là nơi Tòa án tiến hành các thủ tục kiểm tra một cách công khai, toàn diện các kết quả điều tra để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tòa án chỉ ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Việc chứng minh được các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa khi xét hỏi cũng như tranh luận. Do đó, phiên tòa là giai đoạn trung tâm thể hiện đầy đù nhẩt bản chất quá trình tố tụng nói chung và tranh tụng nói riêng. Thông qua phiên tòa, bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, Tòa án (với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng nhất) sẽ tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án và ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu nghe bà Kamada Sakiko, Chuyên gia dài hạn của JICA; ông Edagavva Mitsushi, Luật sư, Chuyên gia pháp lý của Nhật Bản khái quát về mô hình tranh tụng của Nhật Bản và cùng chia sẻ về kỹ năng điều hành một phiên tòa hình sự theo đúng tinh thần tranh tụng; kinh nghiệm xử lý một sổ tình huống phát sinh thường gặp tại phiên tòa…

Đánh giá về hiệu quả của Hội thảo khoa học, bà Kamada Sakiko, Chuyên gia dài hạn của JICA cho rằng thời gian qua, vấn đề nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất quan tâm. Trong hệ thống tư pháp, Tòa án được xác định là trung tâm và xét xử được coi là hoạt động trọng tâm, đã khẳng định vị thế của Tòa án trong cải cách tư pháp. Do vậy, việc nghiên cứu để tìm ra quy trình, kỹ năng tranh tụng các vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chổng oan sai là một đòi hỏi tất yếu. Tranh tụng sẽ phát huy tối đa tính công bằng, dân chủ, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự