Hội thảo cho lắm để làm gì?

Kiến Giang| 03/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khó có con số thống kê tổng số các cuộc hội thảo được tổ chức trong nước hàng năm. Nhưng có thể chắc chắn, con số là rất lớn.

Ở tầm vĩ mô, có hàng loạt cuộc hội thảo bàn biện pháp chống tham nhũng nhưng tham nhũng vẫn xảy ra tràn lan. Tham nhũng trở thành quốc nạn với hàng loạt biến tướng tinh vi. Thậm chí phát triển đến tầm cao như tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, trực tiếp làm nền kinh tế kiệt quệ, dân mất lòng tin. Trong bối cảnh như vậy, những cuộc hội thảo đình đám, tầm quốc gia và quốc tế được đều đặn tổ chức. Thế nhưng, sau những cuộc hội thảo ấy, tình trạng không mấy cải thiện. Không hội thảo nào bắt bệnh được nguyên căn và cho liều thuốc giải pháp căn cơ hiệu quả. Nhiều hội thảo học tập mô hình chống tham nhũng ở nước ngoài cũng được tổ chức. Thế nhưng, chống tham nhũng kiểu mô hình khi đưa vào thực tế, hoàn toàn vô hại.

Ở tầm khoa học, chúng ta có hàng loạt cuộc hội thảo khoa học lớn nhỏ. Phân tích có, định hướng có, ứng dụng khoa học làm kinh tế có…Chúng ta cũng có một lực lượng nhà khoa học hùng hậu nhưng chưa sản xuất nổi cái… ốc vít.

Chúng ta có 52 ngàn tiến sĩ nhưng phương tiện kỹ thuật của một nước thuần nông đều do nông dân tự nghĩ ra, từ chiếc máy diệt rầy đến gặt đập, tuốt lúa…đều ra đời từ những xưởng sản xuất thô sơ của nông dân. Thậm chí máy bay, tàu ngầm mini cũng do người dân sáng chế. Đến mức, người ta đặt câu hỏi: Nông dân làm khoa học, nhà khoa học làm gì? Xin thưa: Phần lớn bận… hội thảo.

Chúng ta cũng có hổi thảo kiểu nâng cao chất lượng y tế cơ sở được tổ chức rầm rộ ở khắp nơi. Từ thôn đến xã, từ huyện đến tỉnh, từ trường đến chợ. Thế mà lại có chuyện tiêm nhầm nước cất cho 60 trẻ vì tưởng là vắc xin. Thử hỏi, nếu thứ bị nhầm lẫn không phải là nước cất mà là những thứ thuốc khác thì tác hại sẽ như thế nào? Có một điều chắc chắn, những cán bộ tiêm chủng này từng kinh qua không ít hội thảo.

Còn nhiều nữa, ví như hội thảo xây dựng đời sống mới, hội thảo nâng cao chất lượng đoàn thể phường, xã…Nhiều đến mức mỗi người dân Việt Nam có lẽ ai cũng ít nhất một lần kinh qua hội thảo. Thế nhưng từ hội thảo đến cuộc sống là một khoảng cách xa vời vợi.

Vậy hội thảo tràn lan để làm gì?

Câu trả lời rất dễ: Không phải là hầu hết mà đa phần hội thảo có thiên hướng tổ chức để cho có, để gặp gỡ giao lưu, vô thưởng vô phạt. Thậm chí trước đây, rất nhiều tỉnh thành tổ chức hội thảo giao lưu với nhau. Địa phương phía bắc giao lưu với địa phương phía nam để cán bộ được…đi du lịch. Sau hội thảo là liên hoan, sau liên hoan là thăm thú, sau nữa là nhà ai nấy về. Tài liệu, tham luận xếp xó.

Hội thảo biến tướng tới mức đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) bức xúc: Có những hội thảo tổ chức ở khách sạn 5 sao, một cái báo cáo bình thường trong nước chỉ chi trả khoảng 2,5 triệu đồng thì trong dự án có vốn ODA được chi trả tới 50-60 triệu đồng dù chất lượng không khác nhau. Sở dĩ có mức chi trả khác nhau như vậy là bắt nguồn từ việc vay vốn ODA để chi thường xuyên. Trong đó, có việc chi cho các dự án trong lĩnh vực chi thường xuyên ở các bộ ngành và địa phương, chi cho các hội thảo. Nhiều đại biểu than phiền cán bộ ta xem vốn ODA như cho không, mặc sức vay. Vốn ODA được xem như “bầu sữa ngọt” và việc lãng phí đầu tiên chính là chi cho báo cáo, tham luận hội thảo ở mức trời ơi như thế.

Rất rõ ràng, hội thảo đang là “công việc” chính của nhiều công chức. Làm báo, hàng ngày gõ cửa cán bộ từ phường xã đến quận huyện, ở đâu cũng nhận được câu trả lời: Lãnh đạo bận đi họp hoặc đi dự hội thảo. Giảng viên đại học, cán bộ đoàn thể cũng bận tối mặt với hội thảo. Tất nhiên, chẳng ai nhiệt tình với việc ấy nếu không có thù lao. Cho đến nay, đã phát sinh tâm lý “bất phong bì phi hội nghị” rất phổ biến.

Hội thảo, phải được hiểu là tâm huyết ở tầm cao. Là nơi tâm huyết ấy có chỗ bàn bạc, trăn trở. Không phải là việc khệnh khạng xách cặp đến đọc hoặc nghe (hoặc ngủ gật) những báo cáo vô hồn rồi nhận thù lao trở về. Đừng để hội thảo trở thành một kênh lãng phí trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn.

Cần nhắc lại Hội nghị Diên Hồng, khi các cụ đồng thanh hô to: Đánh! Cả dân tộc hân hoan hưởng ứng. Hội nghị chóng vánh nhưng làm nên hào khí ngất trời, tiền đề cho ta thắng giặc. Chính sách, một khi đã thỏa mãn được tâm can, ý nguyện của dân thì không cần nói nhiều vẫn được người dân hưởng ứng rộng rãi. Không cần báo cáo phân tích hội thảo dài dòng. Nếu vì dân, làm đi đừng nói!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo cho lắm để làm gì?