Giáo dục

Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc năm 2024

Vũ Ba 23/07/2024 - 09:31

Ngày 23/7, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2024 tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với từng cấp học, đề xuất phương hướng nhiệm vụ và ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025.

Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho biết, với mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về GD&ĐT, nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ (theo mục tiêu của Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị), thời gian qua, thành phố đã ban hành một số cơ chế mạnh có tính chất đột phá, chính sách đặc thù như: phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; tiền thưởng cho giáo viên và học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế theo Nghị quyết 06 (từ năm 2019 đến 2024 là 32 tỷ đồng); hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học Mầm non, THCS, THPT từ năm học 2021-2022 với mức chi trên 300 tỷ đồng mỗi năm.

hoi-nghi-gd-so-gd-dt-1.jpg
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu chào mừng hội nghị.

Thành phố Hải Phòng cũng tăng mức chi thu nhập bình quân thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền do thành phố quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, tổng kinh phí thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ quản lý, giáo viên trong 02 năm 2022, 2023 là gần 56 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hằng năm, ngân sách thành phố đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cho sự nghiệp GDĐT và dạy nghề (bình quân chiếm 34,6% trên tổng chi thường xuyên), cơ bản bảo đảm đủ các điều kiện về tài chính, tài sản; từng bước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng cao thu nhập và huy động các nguồn lực để ưu tiên phát triển giáo dục... Qua đó, đã tạo động lực cho ngành giáo dục Hải Phòng đã có những bước tiến đột phá, quan trọng và vững chắc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, năm 2024 là năm thứ 10 ngành GD&ĐT tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29; là năm thứ 6 đổi mới chương trình GDPT - triển khai chương trình GDPT và năm học tới sẽ kết thúc chu trình thực hiện. Trong công cuộc đổi mới đó, việc triển khai ở bậc giáo dục phổ thông, mầm non, giáo dục thường xuyên có lượng công việc rất lớn và những phần quan trọng của đổi mới. Trong đó, phần triển khai ở cấp tỉnh/thành phố có ý nghĩa quan trọng, tính chất quyết định tới toàn bộ tiến trình, chất lượng, quy mô của đổi mới giáo dục.

hoi-nghi-gd-so-gd-dt-2.jpg
Ông Nguyễn Kim Sơn , Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc hội nghị.

Năm học 2024-2025 là năm tiếp tục triển khai đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, chất lượng, để nhà giáo yên tâm hơn, thạo nghề hơn, gắn bó hơn với ngành và năm 2025 là năm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Vì vậy rất nhiều việc lớn đang đặt ra cho ngành trong năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đề nghị lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các tỉnh/thành, các Sở GD&ĐT, từng cơ sở giáo dục, từng giáo viên với tinh thần cố gắng, tinh thần trách nhiệm, tinh thần đổi mới vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ toàn ngành và nhiệm vụ của từng địa phương.

Năm học 2023-2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành GD&ĐT đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Toàn ngành đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra.

hoi-nghi-gd-so-gd-dt-3.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2023-2024 cấp quốc gia, quốc tế và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong hoạt động dạy và học; đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc năm 2024