Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel nhấn mạnh cần có cách tiếp cận tổng thể, giải quyết gốc rễ của khủng bố, bạo lực cực đoan và xử lý các vi phạm nhân quyền.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua 3 nghị quyết và tuyên bố chủ tịch trong ngày 28/7/2020
Theo tin từ Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 28/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2536 gia hạn thêm 12 tháng Cơ chế trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức tại Cộng hoà Trung Phi và Nghị quyết 2537 gia hạn thêm 6 tháng hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Síp (UNFICYP). Cùng ngày, HĐBA cũng đã thông qua Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel.
*Với Nghị quyết 2536, HĐBA tiếp tục nới lỏng một phần các hạn chế đối với một số loại vũ khí nhằm hỗ trợ Quân đội Cộng hoà Trung Phi tăng cường năng lực trong đối phó với các thách thức an ninh và bảo vệ thường dân.
Cơ chế trừng phạt Cộng hoà Trung Phi được thành lập và gia hạn liên tục kể từ năm 2013 theo Nghị quyết số 2127 của HĐBA. Cơ chế này gồm các biện pháp như cấm vận vũ khí, cấm đi lại và phong toả tài sản, nhằm mục đích hỗ trợ duy trì hoà bình và ổn định ở Cộng hoà Trung Phi.
*Với Nghị quyết 2537, HĐBA tiếp tục kêu gọi hai cộng đồng tại Síp thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Síp trên tinh thần các nghị quyết của HĐBA; một lần nữa bày tỏ ủng hộ và yêu cầu hai cộng đồng tôn trọng các hoạt động của UNFICYP tại Síp.
UNFICYP là một phái bộ gìn giữ hoà bình, được thành lập theo NQ 186 (1964) của HĐBA, với các nhiệm vụ là: (i) ngăn ngừa các vi phạm ngừng bắn; (ii) đóng góp cho việc duy trì, khôi phục luật pháp và trật tự; (iii) đóng góp cho việc đưa Síp trở lại các điều kiện bình thường.
*Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA về tình hình khu vực Tây Phi và Sahel bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tình hình an ninh và nhân đạo tại khu vực Sahel và Châu Thổ Hồ Sát ngày càng xấu đi cũng như các thách thức về an ninh mà khu vực Tây Phi đang phải đối mặt, trong đó có, khủng bố, tội phạm có tổ chức, xung đột giữa những người nông dân và cộng đồng dân du mục, buôn lậu vũ khí và thuốc phiện. HĐBA nhắc lại sự ủng hộ đối với lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ và Nghị quyết 2532 (2020) đề nghị ngừng các hành động thù địch tại tất cả các nơi có trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Tuyên bố hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của Văn phòng Liên hợp quốc về Tây Phi và Sahel, Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và các quốc gia thành viên khác trong ủng hộ và tăng cường hợp tác chống lại dịch COVID-19 tại khu vực.
HĐBA cũng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận tổng thể, giải quyết gốc rễ của khủng bố, bạo lực cực đoan và xử lý các vi phạm nhân quyền. Bên cạnh đó, HĐBA bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng gần đây tại Mali; kêu gọi các bên liên quan tại Mali ưu tiên đối thoại giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt và cân nhắc các đề xuất ngày 19/7/2020 của ECOWAS, không có các hành động gia tăng căng thẳng, đồng thời, tôn trọng thượng tôn pháp luật.