Học sinh sử dụng mạng xã hội: Mừng hay lo?

Thảo Nguyên| 30/03/2017 13:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khó có môi trường nào có thể tương tác với cộng đồng mạnh mẽ, đa chiều, ngay và luôn như mạng xã hội facebook, và đó cũng là điều khiến cho nó thu hút rất nhiều người trẻ.

Mạng xã hội - Con dao hai lưỡi?

Không thể phủ nhận một thực tế là mạng xã hội facebook ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ. Họ sử dụng facebook như là một phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin hữu ích trong cuộc sống và học tập, qua đó giao tiếp và tìm kiếm cơ hội để khẳng định mình. Giới trẻ cũng có thể liên kết, hợp tác với nhau qua Facebook thành các nhóm thực hiện công tác xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, facebook  còn là nơi phát tán nhiều thông tin “ nhảm” nhất.

Thời gian qua, việc không ít các cô cậu học trò gây ấn tượng với bạn bè bằng cách thản nhiên chửi bới thầy cô trên Facebook thay vì chia sẻ tình cảm về việc yêu trường mến lớp đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cái gọi là “Hội những học sinh ghét thầy, cô” trở thành điểm tụ tập của các học sinh cá biệt bởi với họ, đó là nơi để bày tỏ những ấm ức.

Học sinh sử dụng mạng xã hội: Mừng hay lo?

Các trang MXH tựa như con dao hai lưỡi, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ - Ảnh minh họa

Không dừng lại ở bạn bè, thầy cô, mà ngay cả người thân trong gia đình cũng bị không ít bạn trẻ dùng những từ ngữ “vô học” công kích trên mạng. Và cả những hành động vi phạm pháp luật, trái với đạo lý như: Giết hại voọc quý rồi lột da, ngồi trên mộ liệt sĩ chụp ảnh… rồi tung Facebook để khoe đã bị “ném đá” kịch liệt. Thật nghịch lý khi những hình ảnh phản cảm lại “câu” được nhiều “like” (thích) của người xem, kèm theo là các dòng “comment” (bình luận) gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa.

Ngoài ra, facebook cũng rất dễ khiến người khác có hành động không đẹp như check-in ở mọi lúc, mọi nơi thậm chí là nơi có những sự việc đáng buồn đang xảy ra như đám tang, đám cháy,… điều này dễ hình thành nên thói vô cảm của một số ít bạn trẻ.

Không những thế, thời gian dành cho facebook của những người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi teen hiện nay rất lớn, chỉ xếp sau việc học ở trường. Việc quá lãng phí thời gian facebook thay vì dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời và giúp đỡ bố mẹ càng khiến các bạn trở nên thụ động và thu hẹp giới hạn bản thân.

Chưa kể đến việc giảm thị lực khi bạn dành cả tiếng đồng hồ, thậm chí là vài tiếng để cắm cúi nhìn màn hình máy tính, smartphone...

Em Lệ, một học sinh cấp 3 tâm sự: Mới đầu, em tham gia mạng xã hội Facebook chỉ là cho có phong trào để kết nối một số bạn bè, sau dần lại thành thói quen. Mỗi lần bật máy tính mà không vào facebook tán gẫu lại cảm thấy bứt rứt không yên. Đôi khi vào facebook chỉ là viết những điều không đâu, hay đăng những bức ảnh “tự sướng”, rồi ngồi chờ like hay comment mãi không dứt ra được".

Lệ còn tiết lộ trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện hiện tượng lập nhóm, hội để bêu xấu, công kích lẫn nhau. "Lúc đầu chỉ là những nhóm fan của ca sĩ này, diễn viên nọ, hay là CLB bóng đá ưa thích… để ủng hộ thần tượng hay cổ vũ cho đội bóng của mình. Rồi sau bắt đầu ghen tỵ lẫn nhau, bêu xấu nhau bằng những ngôn từ chợ búa, thậm chí còn hẹn nhau ngoài đời để ăn thua với nhau, đây có lẽ là mặt trái mà mạng xã hội mang lại" – Lệ đúc kết.

Đám đông “adua” và “thương hiệu” cá nhân trên facebook

Thạc sĩ Trịnh Lê Anh - Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động “cực lớn” của mạng xã hội trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè.

Khó có môi trường nào khác thay thế được facebook khi người ta có thể tương tác với cộng đồng mạnh mẽ, đa chiều, ngay và luôn như vậy. Đó cũng là điều làm mạng xã hội thu hút nhiều người trẻ đến thế.

Học sinh sử dụng mạng xã hội: Mừng hay lo?

ThS.Trịnh Lê Anh - Giảng viên trường ĐH KHXH&NV Hà Nội

Tuy vậy, lâu nay chúng ta hay nói đến trào lưu a dua, chạy theo đám đông. Đối với facebook điều này rất dễ xảy ra và nó kích thích sự a dua thiếu lý trí diễn ra nhiều hơn. Do lượng người tham gia facebook rất đông nên người ta rất dễ bị tin theo số đông, bởi khó ai có thể kiểm soát hết được comment (bình luận), like (yêu thích), hay kiểm chứng tận nguồn thông tin...

"Nhưng người ta lại cho rằng sự adua trên mạng xã hội là không nghiêm trọng, bởi suy cho cùng nó chỉ là "mạng ảo", người ta không chịu trách nhiệm về hành vi của mình, cho rằng nó không ảnh hưởng đến ai và không có chế tài nào để xử lý những hậu quả của hành vi đó... đấy cũng là tiêu cực lớn nhất mà facebook tạo ra", ThS Lê Anh cho hay.

Cũng theo ThS. Trịnh Lê Anh, các em học sinh thường là người có suy nghĩ và hành động phiến diện, chưa đủ lớn, đủ chín chắn để ra quyết định và đặc biệt là quyết định liên quan đến nhận thức và hành vi. Song các em lại rất thích phát ngôn, vì ở các em đang độ tuổi người ta hay gọi là "ngựa non háu đá", thích là chính mình, thích được thể hiện "quyền lực" của mình trong quyết định của tập thể.

Do đó các em rất thích thú và ham thể hiện qua việc này, nhưng lại không truy nguồn gốc thông tin dẫn đến phát ngôn sai lệch, thiếu chín chắn, thiếu lý trí và chính các em cũng không ý thức được hết những ảnh hưởng của phát ngôn đó mang lại.

Lấy dẫn chứng bằng một câu chuyện thực tế: "Tôi có một bài học, một người bạn ở Nhật khi tuyển dụng một sinh viên mới ra trường, họ đã truy xuất trang facebook của ứng viên, nhưng điều không ngờ là trong những năm tháng cấp 3 của ứng viên đã có những bài viết trên facebook thể hiện lối sống buông thả và không phù hợp văn hóa của công ty đó. Và sau một tuần, ứng viên đó phải nhận quyết định đuổi việc. Người ta bảo rằng, những điều trong quá khứ của ứng viên khiến lãnh đạo công ty không tin cậu ta”.

ThS. Trịnh Lê Anh nhấn mạnh: "Đó là một bài học và hãy nhìn bài học đó để thấy rằng trang facebook là nơi giới thiệu, nơi PR hình ảnh bản thân nên hãy cẩn thận với nó. Người ta có thể truy ngược dòng thời gian để xem bạn đã làm gì với nó, những gì bạn không muốn cho người khác biết, bạn đừng đưa lên facebook".

Suy cho cùng, bản thân mạng xã hội không hề xấu mà quan trọng là cách thức sử dụng của mỗi người cho mục đích riêng. Không phải ai vào thế giới ảo cũng tốt, cũng sống thật, và ngược lại. Chỉ duy nhất một điều, đằng sau chữ “ảo” là chữ “thật”, là những con người thật mang cảm xúc yêu thương thật và tổn thương cũng rất thật… Sau thế giới ảo là những mối quan hệ, những tình bạn đổ vỡ, là lòng tin không còn… Vì vậy, ảo không có nghĩa là không có thật...!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh sử dụng mạng xã hội: Mừng hay lo?